Trang Thông tin điện tử

xã Như Hòa - Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 22/01/2025

TÀI LIỆU SHHV QUÝ III/2024: “Phụ nữ Ninh Bình tích cực học tập và làm theo lời Bác dạy” chào mừng kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959-2024)   

Thứ năm, 15/08/2024

TÀI LIỆU SHHV QUÝ III/2024: “Phụ nữ Ninh Bình tích cực học tập và làm theo lời Bác dạy” chào mừng kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959-2024)   

Trong không khí phấn khởi chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng 8, Quốc Khánh 2-9 và kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Bác, 65 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình (1959 - 2024), dịp sinh hoạt hội viên kỳ này chúng ta cùng nhau học tập chuyên đề “Phụ nữ Ninh Bình tích cực học tập và làm theo lời Bác dạy”.


Bác Hồ chụp ảnh với các cháu thiếu nhi tại buổi nói chuyện với cán bộ và nhân dân thị xã Ninh Bình

1. Những lần Bác Hồ về thăm Ninh Bình

Trong 15 năm, từ tháng 1-1946 đến tháng 7-1960, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Bình vinh dự và tự hào được 5 lần đón Bác Hồ về thăm.

* Lần đầu tiên, ngày 13-1-1946: Bác về thăm Giám mục Lê Hữu Từ và đồng bào Phát Diệm (huyện Kim Sơn). Chia tay đồng bào thị trấn Phát Diệm, trên đường đi thăm thị xã Ninh Bình (nay là thành phố Ninh Bình), Người ghé thăm Trường Huấn luyện thanh niên ở thôn Yên Phúc, xã Ninh Phúc, huyện Gia Khánh (nay là huyện Hoa Lư). Tạm biệt lớp học, Bác về thăm thị xã Ninh Bình, gặp gỡ người dân Ninh Bình.

* Lần thứ hai, ngày 10-2-1947: Bác về xã Lạng Phong, huyện Nho Quan dự và chủ trì Hội nghị Điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình do Bộ Canh Nông tổ chức. Sau hội nghị, Bác đã đến thăm tu viện Châu Sơn (thuộc xã Phú Sơn, huyện Nho Quan) nơi xin nhận 120 đồng bào tản cư đến ở, Người thăm nhà thờ lớn, khu tu hành.

* Lần thứ ba, ngày 15-3-1959: Bác về thăm nhân dân xã Khánh Cư (huyện Yên Khánh) đang cùng bộ đội đào con ngòi Chùa Cao để lấy nước từ sông Đáy dẫn vào cánh đồng Chằm. Trên đường trở về thị xã Ninh Bình, Người dừng xe xuống thăm bà con nông dân xã Ninh Sơn, huyện Gia Khánh (nay là phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình) đang tát nước tập đoàn cứu lúa bị hạn trên cánh đồng chân núi Cánh Diều.

* Lần thứ tư, ngày 18-10-1959: Bác về dự Hội nghị sản xuất vụ đông - xuân năm 1959 - 1960 tỉnh Ninh Bình do Tỉnh ủy, Uỷ ban Hành chính tỉnh Ninh Bình tổ chức.

* Lần thứ năm (và cũng là lần cuối cùng), ngày 20-7-1960: Sau khi thăm một số nông trường quốc doanh ở Nghệ An, Thanh Hóa, trên đường về Thủ đô Hà Nội, Bác đã tới thăm nông trường Đồng Giao, huyện Tam Điệp (nay là thành phố Tam Điệp). Bác đi thăm quan các đội sản xuất, nhà ăn, nhà trẻ, khu chăn nuôi lợn, bò... của nông trường.

2. Lời căn dặn của Bác khi về thăm Ninh Bình

- Cần phải đoàn kết lương giáo: Người nói “Công giáo hay không Công giáo, Phật giáo hay không Phật giáo phải nên nỗ lực tranh đấu cho nền độc lập của nước nhà…”; “Đức chúa hy sinh vì nhân loại, Người vì loài người mà hy sinh phấn đấu, còn chúng ta thì hy sinh vì độc lập tự do của dân tộc. Kính chúa nhưng phải yêu nước. Nước không được độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”.

- Cần phải tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm:

+ Người dặn dò “Cán bộ phải có quyết tâm chống hạn và quyết tâm phải liên tục, bền bỉ. Biến quyết tâm của cán bộ thành quyết tâm của nhân dân, đoàn kết giúp đỡ nhau…”; “Nhân dân ta đã anh dũng trong kháng chiến, cần phải anh dũng trong sản xuất. Chúng ta phải thắng thiên tai, hạn hán, bão lụt… để sản xuất ngày càng được nhiều, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đưa nước nhà dần tiến lên chủ nghĩa xã hội”.

+ Người căn dặn đồng bào lao động “phải tích cực sản xuất, phải chọn những cây trồng thích hợp, phù hợp với điều kiện tự nhiên để nâng cao năng suất...”; hãy “cố gắng làm thủy lợi để lấy nước cứu hàng vạn mẫu lúa và cày cấy hết số diện tích còn lại”; muốn sản xuất thắng lợi thì phải nhớ và làm đúng Tám điều:

“Nước phải đủ, phân phải nhiều.

 Cày sâu, giống tốt, cấy đều dảnh hơn.

 Trừ sâu, diệt chuột chớ quên.

 Cải tiến nông cụ, là nền nhà nông.

 Ruộng nương quản lý ra công.

 Tám điều đầy đủ, thóc bông đầy bồ”.

+ Người căn dặn đồng bào phải ra sức nêu cao tinh thần đoàn kết, “tương thân tương ái” để chống giặc đói, giặc dốt và chống giặc ngoại xâm, thực hiện kháng chiến và kiến quốc.

- Cần phải xây dựng củng cố chính quyền cách mạng, đoàn kết và dân chủ; xây dựng củng cố hậu phương, mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất...

+ Người căn dặn Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình: “phải đoàn kết toàn dân, đoàn kết trong Đảng và ngoài Đảng, đoàn kết lương giáo… Đoàn kết chặt chẽ để thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”; “cố gắng lãnh đạo nhân dân củng cố chính quyền thật vững mạnh để tạo điều kiện tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cấp bách trước mắt.

+ Người chỉ rõ, đồng bào tản cư, di cư đã vì lòng yêu nước không chịu theo giặc, tiêu thổ kháng chiến, hy sinh nhà cửa, tài sản quê hương sơ tán về hậu phương để tiếp tục kháng chiến chống giặc xâm lược. Đồng bào ở địa phương có nhiệm vụ ân cần đón tiếp, chăm sóc, giúp đỡ bà con nhanh chóng có nơi ăn, ở, sản xuất. Muốn làm được việc này ta phải có kế hoạch cụ thể, chu đáo đến từng nhà, từng người. Ta phải đồng tâm hiệp lực giúp đỡ nhau. Các kỹ nghệ gia, thương gia, nông gia đều phải giúp vào việc này và phải giúp đỡ nhau để phát triển. Người mong muốn cán bộ tỉnh Ninh Bình, các điền chủ và nhân dân Ninh Bình hết sức cố gắng vào công việc này, sao cho Ninh Bình là một tỉnh kiểu mẫu cho các tỉnh noi theo.

3. Lời căn dặn của Bác Hồ đối với phụ nữ Việt Nam

Sinh thời Bác Hồ mong muốn giải phóng phụ nữ và đánh giá cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong xã hội. Người viết “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Người căn dặn: “…Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xoá bỏ cái tâm lý tự ty và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật. Vậy chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị người làm chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.

Bác mong muốn chị em phải tích cực thi đua, cố gắng học tập, phấn đấu vươn lên: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Như thế sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng”.

4. Phụ nữ Ninh Bình tích cực học tập và làm theo lời Bác dạy

Phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Ninh Bình tích cực học tập và làm theo lời Bác căn dặn bằng những việc làm cụ thể sau đây:

- Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Di chúc của Người ở mọi lúc, mọi nơi gắn với việc học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng mọi mặt; nỗ lực vươn lên để khẳng định mình, nâng cao vị thế của bản thân trong gia đình và ngoài xã hội. Vừa làm tốt thiên chức của người phụ nữ vừa hoàn thành tốt vai trò của một người công dân đối với xã hội, đối với quê hương, đất nước.  

          - Phấn đấu thực hiện Tiêu chí Người phụ nữ phụ nữ Ninh Bình thời đại mới: Có Tri thức - Có Đạo đức - Có Sức khỏe - Có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước - Có Lối sống thân thiện, hiền hòa, thanh lịch, mến khách. Tích cực tham gia thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “5 có 3 sạch” và các PTTĐ, cuộc vận động do địa phương phát động.

- Tích cực, hăng say lao động sản xuất, khởi nghiệp; tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh; tham gia phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; đầu tư phát triển các ngành, nghề, dịch vụ phù hợp với văn hóa, truyền thống, tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Cố Đô nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, văn minh.

- Tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ gia đình chính sách, gia đình phụ nữ nghèo, phụ nữ khó khăn...

- Tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, văn minh du lịch, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh và các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thực hiện mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành “thành phố trực thuộc trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo vào năm 2035”; “thành phố trực thuộc Trung ương văn minh, hiện đại, thông minh, có bản sắc riêng, ngang tầm các đô thị di sản, thành phố sáng tạo trên thế giới vào năm 2050”./.

Bài liên quan
Video
Dữ liệu đang được cập nhật
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 102726

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 75