Trang Thông tin điện tử

xã Như Hòa - Huyện Kim Sơn

Thứ năm, 21/11/2024

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930 – 14/10/2021)

Thứ năm, 14/10/2021

Sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Ninh Bình, Hội Nông dân huyện Kim Sơn, Hội nông dân dân xã Như Hòa.

 

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

KỶ NIỆM 91 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

(14/10/1930 – 14/10/2021)

Sơ lược về lịch sử hình thành và phát triển của của Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Ninh Bình, Hội Nông dân huyện Kim Sơn, Hội nông dân dân xã Như Hòa

I. Lịch sử hình thành và phát triển của của Hội Nông dân Việt Nam

Dưới sự lãnh đạo Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, cuối năm 1926 đầu năm 1927, một số địa phương hình thành “Nông Hội Đỏ” chỉ đạo cuộc nổi dậy của nông dân đấu tranh chống thực dân, địa chủ phong kiến và tư sản, đòi quyền dân sinh dân chủ; tiêu biểu là cuộc đấu tranh của nông dân Cao Lãnh, Sa Đéc, Gia Định, Đức Phổ, Duyên Hà, Tiền Hải…. đi tới đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Hội nghị Trung ương Đảng tháng 10/1930, đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay). Ngày 6/8/1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 02-NQ/TW về việc thành lập Ban Nông vận Trung ương. Từ ngày 28/11 đến 7/12/1949, tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã diễn ra Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất. Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc).

Ngày 16/4/1951, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “Thành lập các ban và tiểu ban giúp việc”, trong đó có Tiểu ban Nông vận. Tháng 5/1951, Ban Liên lạc nông dân toàn quốc quyết định triệu tập Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ hai tại thôn Quắc, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Dự hội nghị có hơn 100 đại biểu đại diện cho giai cấp nông dân cả nước. Hội nghị đánh giá phong trào nông dân, hoạt động của tổ chức hội và quán triệt nhiệm vụ Hội Nông dân trước yêu cầu nhiệm vụ đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tới toàn thắng.

Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Sự ra đời của hội là một mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của tổ chức nông dân, mà trên thực tế hàng ngàn cơ sở Nông hội cứu quốc ở các khu, tỉnh, huyện, xã đã được phục hồi trong đồng khởi. Ngày 25/6/1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Thông báo số 16-TB/TW về việc thành lập Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương. Ngày 25/6/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định tách Ban trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (nằm trong Ban Nông nghiệp Trung ương) thành một cơ quan thuộc hệ thống các đoàn thể quần chúng và dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư. Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương (thực chất là một bộ phận của Ban Nông nghiệp Trung ương, do Ban Nông nghiệp chỉ đạo) nay lập thành một cơ quan độc lập có nhiệm vụ vừa thường xuyên chỉ đạo phong trào thực hiện những nhiệm vụ chính trị của Đảng, vừa giúp Ban Bí thư chuẩn bị Đại hội nông dân toàn quốc. Ban Trù bị Đại hội đại biểu nông dân tập thể Trung ương gồm có Trưởng ban là đồng chí Ngô Duy Đông, Phó ban là các đồng chí Nguyễn Thành Thơ, Nguyễn Công Huế và đồng chí Lê Du là Ủy viên.

Ngày 27/9/1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 78-CT/TW về việc tổ chức Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam. Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam. Chỉ thị khẳng định Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam là tổ chức quần chúng rộng rãi của nông dân lao động trong cả nước, hội có nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết nông dân để giáo dục, vận động nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp miền Nam, đưa nông thôn tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nay giai cấp nông dân cả nước có tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở. Ngày 1/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42-QĐ/TƯ về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Ngày 20/5/1991, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 69-CT/TW về việc kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/1991). Lần đầu tiên Hội Nông dân Việt Nam tổ chức mít tinh kỷ niệm trọng thể 61 năm Ngày thành lập tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Đỗ Mười tới dự và có bài phát biểu quan trọng. Đến nay, Hội nông dân Việt Nam đã qua 7 kỳ Đại hội.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ  Nhất được tiến hành từ ngày 27/3 đến ngày 31/3/1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Nghị quyết của Đại hội ghi rõ: Đại hội khẳng định Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp nông dân.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Nông dân Việt Nam được tiến hành từ ngày 15/11 đến 19/11/1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đại hội đã đánh giá phong trào nông dân, công tác xây dựng Hội; phương hướng nhiệm vụ của Hội 5 năm tiếp theo, thông qua Điều lệ (sửa đổi) Hội Nông dân và thông qua Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II Hội Nông dân Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội Nông dân Việt Nam  khai mạc từ ngày 17/11 đến ngày 20/11/1998 tại Cung văn hóa Hữu Nghị, Hà Nội, Đại hội III có nhiệm vụ tiếp tục đổi mới và phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Hội thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội Nông dân Việt Nam được tiến hành từ ngày 22/11 đến ngày 25/11/2003 tại Cung văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Đây là Đại hội “Đoàn kết – Đổi mới – Dân chủ - Phát triển”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Nông dân Việt Nam được tiến hành từ ngày 22/12 đến ngày 25/12/2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Đại hội V là Đại hội của tinh thần “Đoàn kết – Đổi mới – Hội nhập – Phát triển”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam được tiến hành từ ngày 30/6 đến ngày 03/7/2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Đại hội VI là Đại hội của tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Chủ động - Hội nhập - Phát triển bền vững”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 – 2023, được tổ chức từ ngày 11/12 đến ngày 13/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Đây là Đại hội của tinh thần: “Dân chủ - Đoàn kết – Đổi mới– Hội nhập – Phát triển”.

Với thành tích đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giai cấp Nông dân Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam đã được khen thưởng: Huân chương Sao Vàng (năm 1988); Huân chương Ðộc lập hạng Nhất (năm 1998); Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2005); Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2006); Cờ thi đua xuất sắc nhất của Chính phủ (năm 2007); Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2009). Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, giai cấp Nông dân Việt Nam đã vinh dự được Ðảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng (lần 2).

II. Lịch sử hình thành và phát triển của của Hội Nông dân Ninh Bình

Cùng với Nông dân cả nước, nông dân Ninh Bình tham gia vào tổ chức Hội ngay từ ngày đầu tiên, khi Nông Hội đỏ được thành lập. Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Nông dân Ninh Bình đã dương cao ngọn cờ cách mạng, sát cánh kề vai cùng Nông dân cả nước kiên định một lòng đi theo Đảng, đáp lời kêu gọi thiêng liêng của Bác Hồ: “Hãy đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn Độc lập tự do”. Nông dân Ninh Bình hăng hái phục vụ kháng chiến với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”.

Tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp Nông dân Ninh Bình vững bước tiến lên con đường xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ X Quốc hội khóa VIII về phân chia lại địa giới tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, ngày 01/4/1992 Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình chính thức đi vào hoạt động theo tỉnh mới. Những ngày đầu công tác Hội và phong trào Nông dân còn gặp nhiều khó khăn cả về tổ chức và nội dung phương thức hoạt động. Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã vượt qua khó khăn xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Ngày 21/11/1992 Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình lần thứ I được tổ chức tại Nhà Văn hoá trung tâm tỉnh Ninh Bình. Tham dự Đại hội có 158 đại biểu. Với chủ đề “Tập hợp, đoàn kết nông dân, phát triển nông nghiệp hàng hoá toàn diện, xây dựng nông thôn mới, xây dựng Ninh Bình giàu đẹp”

Ngày 21/4/1998 tại Nhà Văn hoá trung tâm tỉnh Ninh Bình, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình lần thứ II, long trọng tổ chức gồm 180 đại biểu. Đại hội đề ra phương hướng chung là: “Đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nông dân, phát huy nội lực, tiềm năng thế mạnh, sức sáng tạo và bản chất tốt đẹp của nông dân Việt Nam.

Ngày 01/7/2003 tại Nhà Văn hoá trung tâm tỉnh Ninh Bình, Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình lần thứ III, nhiệm kỳ 2003 - 2008 được tổ chức. Về dự Đại hội có 180 đại biểu. Đại hội đề ra phương hướng chung là: “Phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, vai trò làm chủ của người nông dân trong sự nghiệp đổi mới; xây dựng người nông dân mới; xây dựng Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình vững mạnh là trọng tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IV ( nhiệm kỳ 2008 - 2013 ) được tổ chức tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh Ninh Bình từ ngày 17 - 18/9/2008. Về dự Đại hội có 216 đại biểu. Đại hội đã đề ra phương hướng là: “Tiếp tục phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được, xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh CNH, HĐH

Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ V (nhiệm kỳ 2013 - 2018) được tổ chức tại Trung tâm hội nghị tỉnh Ninh Bình từ ngày 17 - 18/01/2013. Về dự Đại hội có 225 đại biểu đại diện cho hơn 16 vạn hội viên và giai cấp nông dân toàn tỉnh. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn Đại hội đại biểu HND tỉnh Ninh Bình lần thứ V, nhiệm kỳ 2013-2018 làm điểm của 27 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ (từ Nghệ An  trở ra). Đại hội đã đề ra phương hướng: “Phát huy tinh thần   “ Đoàn kết - Đổi mới- Chủ động- Hội nhập- Phát triển bền vững” xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện.

 Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình lần thứ VI, nhiệm kỳ 2018 - 2023 được tổ chức tại Trung tâm văn hóa tỉnh Ninh Bình từ ngày 7- 8/8/2018. Với sự có mặt của 229 đại biểu ưu tú đại diện cho gần 140 nghìn hội viên nông dân trong toàn tỉnh. Đại hội đã đề ra phương hướng chung: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, phát huy vai trò trung tâm và nòng cốt cho phong trào nông dân; nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh xây dựng quê hương Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững”..

III. Lịch sử hình thành và phát triển của của Hội Nông dân Kim Sơn                               

Cùng với Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, Hội Nông dân huyện Kim Sơn dưới sự lãnh đạo của Đảng ngay từ năm 1946 tổ chức Hội đã được thành lập Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện lời kêu gọi của Hồ Chủ Tịch “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, hơn bao giờ hết giai cấp nông dân và tổ chức Hội cả nước đứng lên chống quân xâm lược, hàn gắn vết thương chiến tranh xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Nông dân huyện Kim Sơn một lòng, một dạ ủng hộ cuộc kháng chiến, đã chi viện sức người, sức của phục vụ kháng chiến, với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đã tiễn chân hàng vạn con em nông dân lên đường tòng quân giết giặc, hàng vạn nông dân đi dân công phục vụ kháng chiến, với tinh thần “Hậu phương thi đua với tiền phương”.

Nhà nhà, người người thi đua tăng gia sản xuất để chi viện lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến. Phát động phong trào “Hũ gạo kháng chiến”. Xây dựng căn cứ làng xã chiến đấu, thực hiện khẩu hiệu “Tay cày, tay súng, giặc đến là chiến đấu, giặc đi lại sản xuất”. Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã có hàng ngàn người con Kim Sơn ngã xuống nơi chiến trường, hàng nghìn thương bệnh binh và Bà mẹ Việt Nam anh hùng phần lớn là nông dân. Huyện Kim Sơn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Bằng sức mạnh của cả dân tộc giành chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 và cuộc tổng tiến công đại thắng mùa xuân năm 1975 đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh. Đất nước ta hoàn toàn được độc lập, non sông thu về một mối, đưa cả nước đi lên CNXH. Để thoát nghèo nàn lạc hậu, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách hợp lý nhằm giải phóng sức lao động, phát triển sản xuất, xác định Hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ, được giao quyền sử dụng đất ổn định lâu dài, khuyến khích phát triển kinh tế nhiều thành phần, đưa nhanh tiến bộ KHKT vào sản xuất, cho nông dân vay vốn ưu đãi, đổi mới quản lý hợp tác xã nông nghiệp theo Luật, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn. Những chủ trương trên thực sự là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn phát triển.

Những thành tựu về sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn của huyện trong những năm qua đã góp phần tích cực phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, đời sống vật chất, tinh thần của nông dân ngày một cải thiện, số hộ nghèo giảm đến hết năm 2019 còn 4,38%, số hộ khá giàu tăng nhanh. Các gia đình thuộc diện chính sách xã hội được chăm lo giúp đỡ tốt hơn, bộ mặt nông thôn đã được đổi mới, số hộ đạt tiêu chí gia đình nông dân văn hoá ngày một tăng. Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao, xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn được toàn dân chăm lo, tham gia tích cực.

Thực hiện Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Ninh Bình, Ban Thường vụ Huyện ủy, Hội Nông dân huyện Kim Sơn đã trải qua 10  kỳ Đại hội, Đại hội I, II, III từ năm 1977- 1986, Đại hội đã bầu đồng chí Trần Thị Tỵ - HUV, làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Nông dân tập thể huyện. Đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 1986-1990 đồng chí Phạm Trung Miền, HUV, được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện, Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 1991-1996 Đại hội lần thứ VI, nhiệm kỳ 1997-2002, Đại hội lần thứ VII, nhiệm kỳ 2002-2007, Đại hội lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2007-2012 đồng chí Hoàng Xuân Tiếp, HUV, được bầu  làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện, từ 2011-2012 đồng chí Nguyễn Đình Du, HUV, được bầu  làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Đại Hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2012- 2017 tiếp tục đồng chí Nguyễn Đình Du, HUV, được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Từ 2012- 8/2015 đồng chí Nguyễn Văn Thanh, HUV, được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Đại Hội lần thứ X, nhiệm kỳ 2018- 2023 đồng chí Vũ Văn Tấn, HUV, được bầu làm Chủ tịch Hội Nông dân huyện. Đại hội đề phương hướng chung “xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện; hướng mạnh hoạt động về cơ sở, nâng cao vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới”  

IV. Lịch sử hình thành và phát triển của của Hội Nông dân xã Như Hòa                              

Hội Nông dân xã Như Hòa dưới sự lãnh đạo của BCH Đảng bộ Từ Năm 1992 tái lập tỉnh Ninh Bình Hội nông dân xã  đã trải qua 7 kỳ Đại hội:

Đại hội - I nhiệm kỳ 1987 -1992 Đại hội đã bầu đồng chí Đỗ Hồng Nhâm gữi chức danh  chủ tịch Hội nông dân tập thể

 Đại hội - II nhiệm kỳ 1992 -1997 Đại hội đã bầu đồng chí Phạm Văn Sính gữi chức danh  chủ tịch Hội

Đại Hội III nhiệm kỳ 1997 – 2002 Đại hội đã bầu đồng chí Phạm Văn Sính tiếp tục gữi chức danh chủ tịch Hội

Đại Hội IV nhiệm kỳ 2002 – 2007 Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Duy Hiển gữi chức danh chủ tịch Hội

Đại Hội V nhiệm kỳ 2007 – 2012 Đại hội đã bầu đồng chí Trương Thân Kim gữi chức danh chủ tịch Hội

Đại Hội VI nhiệm kỳ 2012 – 2018 Đại hội đã bầu đồng chí Vũ Xuân Vinh gữi chức danh chủ tịch Hội, đến tháng 8 năm 2015. Từ tháng 8/2015 – 8 /2018 Đồng chí Trịnh Thị Len được chỉ định gữi chức danh chủ tịch Hội

Đại Hội VII nhiệm kỳ 2018 – 2023 Đại hội đã bầu đồng chí Trịnh Thị Len tiếp tục gữi chức danh chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2018 – 2023. Tham dự Đại hội có 99 đại biểu ưu tú.  Đại diện cho ý trí , nguyện vọng và trí tuệ của 1.020 cán bộ, hội viên,  nông dân cả xã. Đại hội đã tập trung thảo luận báo cáo của BCH Hội nông dân Việt Nam trình trước Đại hội. Phương hướng Đại hội VII với tinh thần “ Dân chủ - Đoàn kết – Đổi mới – Hội nhập – Phát triển” Đại hôi đại biểu lần thứ 7 Hội nông dân xã nhà  xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 5 năm (2018 – 2023) là:” xây dựng Hội nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh phát huy vai trò  của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giầu có nông thôn văn minh, hiện đại”.

Hội nông dân Việt Nam cần nắm chắc nguyên tắc liên minh công nông, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của hội theo hướng giải quyết tốt lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân, luôn dựa vào nông dân, vì nông dân;  kết hợp chặt chẽ phương pháp vận động  tuyên truyền miệng với phương pháp tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ,  tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh; vận động hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả và nâng cao chất lượng hội viên là nòng cốt cho phong trào nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới; tiếp tục thực hiện Kết luận số 62 - ngày 08 tháng 12 năm 2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội; đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động theo hướng kết hợp chặt chẽ công tác tập hợp, tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giám sát, phản biện xã hội và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy mạnh hợp tác tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ và dạy nghề, đáp ứng nhu cầu và lợi ích thiết thực của hội viên, nông dân. Trực tiếp và phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở nông thôn. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu văn minh đô thị và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam vững mạnh; đào tạo người nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ bản lĩnh chính trị, giữ vai trò chủ thể trong phát triển nông dân,  nông nghiệp, nông thôn”.
Đại hội đã xác định các mục tiêu: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, có đủ năng lực tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sức sáng tạo của hội viên, nông dân; tham gia xây dựng và tổ chức nông dân thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Đẩy mạnh các phong trào thi đua trong nông dân, huy động các nguồn lực hỗ trợ hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, giảm nghèo bền vững; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn nông thôn. Nâng cao trình độ, năng lực, luôn dựa vào nông dân và vì nông dân để vận động nông dân nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ và 14 chỉ tiêu của Đại hội 7 đã đề ra.

Đối với Hội nông dân xã Như Hoà dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp đỡ của Hội nông dân Huyện Kim Sơn, sự phối hợp của  UBMTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội; Hội Nông dân xã đã không ngừng trưởng thành trên nhiều mặt, và đạt được nhiều thành tích quan trọng, tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Quá trình hoạt động Hội nông dân xã đã khẳng định vai trò quan trọng, trong phát triển kinh tế, tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.

Hàng năm Hội đã chỉ đạo các chi hội xây dựng các mô hình như: mô hình trang trại nuôi lợn gia đình hộ ông Trần Văn Chính; mô hình trang trại nuôi lợn và nuôi trồng thuỷ sản hộ ông  Nguyễn Văn Thảnh; Trang Trại Hộ Bà Trịnh Thị Nguyệt xóm 7; Trang trại tổng hợp ông Phạm Văn Đức Xóm 10 và nhiều mô hình khác đã và đang được nhiều hội viên nông dân áp dụng, nhiều hộ nông dân đã đầu tư mua máy cầy, máy gặt để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đã góp phần tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, đặc biệt nâng cao năng suất lao động, chất lượng và giá trị sản phẩm. Đây là nơi để nông dân học tập, áp dụng với phương châm “Nông dân dạy cho nông dân”, “ nông dân học nông dân”. Thông qua cách học hỏi trao đổi kinh nghiệm giữa nông dân với nông dân đã đem lại những kiến thức cần thiết để vận dụng vào sản xuất chăn nuôi.

Thông qua công tác tuyên truyền chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn kiến thức, các hoạt động hỗ trợ  nông dân sản xuất kinh doanh, đã tạo thêm động lực thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nông dân xã Như Hoà ngày một phát triển, số hộ gia đình hội viên sản xuất chăn nuôi đạt năng xuất cao; tạo công ăn việc làm cho hội viên  đã có thu nhập ổn đinh trong lúc nông nhàn, tiêu biểu như gia đình Hội viên Nguyễn Văn Thắng chi hội 1 dịch vụ tiểu thủ công nghiệp; gia đình Hội viên Bùi Văn Nhân Chi hội 1 về phát triển nuôi trâu thương phẩm; gia đình Hội viên Nguyễn Văn Tựa đã đầu tư  mua máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và gia đình còn trồng hàng 10 mẫu lúa; gia đình hội viên Trần Văn Khai chi hội 3 cũng tạo công ăn việc làm cho hội viên trong lúc nông nhàn; gia đình hội viên Trần Đức Lăng chi hội 4  đã được phong Nghệ nhân sản xuất chế tạo đồ gỗ mỹ nghệ đã tạo công ăn việc làm thu nhập cao cho hàng chục lao động;  gia đình hội viên Trần văn Hoà chi hội 6 sản xuất ấp nở gia cầm phục vụ cho nông dân chăn nuôi; gia đình hội viên Phạm Công Lý chi hội 9 làm mô hình trồng rau trong nhà lưới; mô hình làm dịch vụ nông nghiệp gia đình hội viên Trần Thị Thục chi hội 7 cấy 10ha lúa, làm dịch vụ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho thu nhập từ 900 triệu – 1 tỷ /năm; Gia đình hội viên Trương Thị Hiệp và gia đình hội viên Phạm Thị Quy xóm 10; gia đình hội viên Phạm Xuân Cửu xóm 11dịch vụ tiểu thủ công nghiệp đã tạo công ăn việc làm cho Hội viên trong lúc nông nhàn.

Cùng với thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, Hội đã tích cực vận động hội viên, nông dân tương trợ, giúp các hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn về giống, vốn, công lao động và nhiều vật tư nông nghiệp để giúp hộ nông dân khó khăn vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng. Thông qua các phong trào của Hội, lực lượng nông dân xã Như Hoà được tập hợp vào tổ chức Hội ngày càng đông hơn. Đến nay Hội có trên 1000 hội viên chiếm 79,8% nông dân tham gia sinh hoạt hội. Công tác xây dựng, củng cố, phát triển tổ chức Hội nông dân ngày càng được quan tâm; đội ngũ cán bộ hội nông dân ngày càng trưởng thành và tiến bộ. hưởng ứng 3 phong trào thi đua lớn của Hội, đó là: Phong trào nông dân, nông nghiệp và nông thôn.
Để tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Hội Nông dân Việt Nam trong 91 năm xây dựng và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hội nông dân xã Như Hoà cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần giúp cho đội ngũ cán bộ, hội viên nông dân nhận rõ vị trí vai trò của mình trong sự nghiệp CNH-HĐH nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Giúp cho cán bộ, hội viên nông dân nắm vững và  kịp thời chấp hành nghiêm túc các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nhất là chính sách pháp luật liên quan đến đất đai; nêu cao ý chí vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng; cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Như Hoà lần thứ XXIII vào chương trình công tác hội hàng năm.

Tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, kịp thời nắm bắt, đề xuất, kiến nghị với cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nguyện vọng chính đáng, những vấn đề nổi cộm phát sinh trong đời sống nông dân; là cầu nối vững chắc giữa nông dân với cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực sự là ngôi nhà chung của Hội nông dân.

Ôn lại truyền thống của Hội Nông dân Việt Nam 91 năm qua, Phát huy vai trò của tổ chức Hội trong các phong trào thi đua yêu nước với những hoạt động cụ thể, thiết thực như phong trào “ Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo bền vững vươn làm  giàu chính đáng”, phong trào xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc “ Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thường xuyên quan tâm xây dựng tổ chức Hội nông dân vững mạnh. Góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Như Hoà  lần thứ XXIII đề ra.

Bài liên quan
Video
Dữ liệu đang được cập nhật
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 93794

Trực tuyến: 17

Hôm nay: 218