Trang Thông tin điện tử

xã Như Hòa - Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 22/01/2025

Một số thông tin về nhà thờ Vũ Văn Kế

Thứ bảy, 05/08/2023

LÝ LỊCH DI TÍCH

NHÀ THỜ VŨ VĂN KẾ

Thôn: Tuần Lễ

Xã: Như Hòa

Huyện: Kim Sơn

Tỉnh: Ninh Bình

 

Phần I. Tên gọi của di tích

          Di tích có tên gọi là nhà thờ Vũ Văn Kế, vì di tích thờ nhân vật Vũ Văn Kế - thứ mộ của trại Tuần Lễ và là ông tổ họ Vũ ở thôn Tuần Lễ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

          Ngoài tên gọi trên ra thì di tích còn có tên gọi khác là Từ đường họ Vũ hay Nhà thờ họ Vũ thôn Tuần Lễ, xã Như Hòa.

 

 

Phần II. Địa điểm phân bố, Đường đi đến di tích

1. Địa điểm phân bố

          Di tích nhà thờ Vũ Văn Kế nằm ở phía đông bắc UBND xã Như Hòa, cách thị trấn Phát Diệm 3 km về phía đông.

          Xã Như Hòa là xã rộng lớn với diện tích đất tự nhiên là 496,56ha, dân số 5.800 người(1), phía đông giáp xã Hùng Tiến, phía bắc giáp xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, phía tây giáp xã Quang Thiện và phía nam giáp sông Đáy. Do địa hình của một vùng bãi bồi ven biển nên xã Như Hòa có địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam.

          Từ trước năm 1829, khi chưa có con người đến khai hoang thì huyện Kim Sơn còn là một vùng đất ven biển thuộc phủ Trường Yên với hơn 3000 mẫu, cây cỏ mọc um tùm(2).

          Tháng 2 năm 1829, Nguyễn Công Trứ cùng các cụ chiêu, nguyên thứ, tân mộ và khẩn hoang lập nên huyện Kim Sơn. Từ đó cho đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945, vùng đất có di tích thuộc trại Tuần Lễ, tổng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

          Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 di tích thuộc thôn Tuần Lễ, xã Hùng Vương (gồm 4 thôn: Chí Tĩnh, Tuần Lễ, Hòa Lạc, Như Độ).

          Năm 1950 sát nhập xã Ngô Quyền về xã Hùng Vương (xã Hùng Vương có 5 thôn: Quy Hậu, Chí Tĩnh, Tuần Lễ, Hòa Lạc, Như Độ).

          Tháng 8 năm 1956 tách xã Hùng Vương thành 2 xã Hùng Vương và Hùng Tiến. Xã Hùng Vương gồm các thôn: Như Độ, Hòa Lạc, Tuần Lễ.

          Năm 1964 thực hiện chủ trương không lấy tên gọi các anh hùng và danh nhân dân tộc đặt cho các xã. Xã Hùng Vương được đổi thành xã Như Hòa. Di tích thuộc xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

          Năm 1976, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Di tích thuộc xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Hà Nam Ninh.

          Năm 1992 tỉnh Hà Nam Ninh tách thành 2 tỉnh Ninh Bình và Nam Hà. Từ đó cho đến nay di tích thuộc xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

2. Đường đi đến di tích

          Muốn đến di tích nhà thờ Vũ Văn Kế, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình quý khách đi theo các tuyến đường sau:

          - Đường bộ: Từ thị xã Ninh Bình theo đường quốc lộ số 10 (Ninh Bình – Phát Diệm) 24km đến cầu Tuần Lễ, rẽ phải vào đường làng Tuần Lễ đi khoảng 300m, di tích nằm phía bên phải đường.

          - Đường thủy: Từ bến Non Nước (thị xã Ninh Bình) theo dòng sông Vân 6 km đến ngã ba sông Cầu Yên, rẽ trái vào sông Vạc đi khoảng 23km đến cầu Trì Chính, rẽ trái vào sông Ân đi khoảng 2,5km đến cầu Tuần Lễ, rẽ trái vào sông Tuần Lễ đi khoảng 300m, di tích nằm phía bên phải.

 

Phần III. Sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích

1. Nhà thờ Vũ Văn Kế là nơi thờ cúng tưởng niệm thứ mộ Vũ Văn Kế và dòng họ Vũ ở thôn Tuần Lễ, xã Như Hòa.

          Thứ mộ Vũ Văn Kế (1815 – 1899) thọ 85 tuổi, vợ là Vũ Thị Viên người ấp Chí Tĩnh, tổng Quy Hậu. Ông quê ở thôn Phương Để, tổng Phương Để, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường, nay là huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định.

          Tháng 2 năm Kỷ Sửu (1829), nhà doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đứng ra chỉ đạo và tổ chức một cuộc khẩn hoang với quy mô lớn ở vùng này. Công cuộc khẩn hoang được tiến hành hết sức khẩn trương và cũng vô cùng gian lao vất vả, có nơi phải làm đi làm lại qua hai ba đời chiêu mộ, bốn năm năm trời mới thành được trại, ấp(1).

          Chiêu mộ Lê Văn Uẩn, người xã Phúc Nhạc, tổng An Vân, huyện Yên Mô là người có công trong công cuộc khẩn hoang lập nên trại Tuần Lễ. Cùng với chiêu mộ Lê Văn Uẩn, phó chiêu mộ Nguyễn Hữu Lượng quê ở Bồng Hải, xã Khánh Thiện (Yên Khánh), còn có 17 nguyên mộ, 7 thứ mộ và tân mộ về đây lập nên trại Tuần Lễ.

          Năm 1834 chiêu mộ Vũ Khắc Minh người làng Lạc Thiện, tổng Hướng Đạo về quê ở Phương Để, huyện Nam Chân, phủ Thiên Trường vận động được 7 người trong làng cùng đến Kim Sơn khai hoang lập ấp, trong đó có người cháu là Vũ Văn Kế. Khi đến Kim Sơn cụ Vũ Văn Kế cùng các cụ khác đến trại Tuần Lễ khai hoang lập nghiệp. Các cụ còn đứng ra chiêu mộ thêm dân, chịu trách nhiệm trước nhà nước về công cuộc khẩn hoang, đồng thời cũng là người trực tiếp tổ chức điều hành công cuộc khẩn hoang trong toàn trại Tuần Lễ.

          Những ngày đầu của công cuộc khẩn hoang vô cùng vất vả, thời tiết khắc nghiệt, nước mặn đói rét, lương thực thực phẩm thiếu thốn. Theo tờ trình của các lý, ấp, trại trong toàn huyện vào năm Tự Đức thứ 3 (1850) có ghi lại: Kim Sơn ta nguyên trước là dải đất duyên hải hoang hóa, khí nước rất mặn. Lúc mới khai khẩn công cuộc vô cùng gian khổ, dân mộ đến trước mắt chưa thấy gì. Nhân dân phần nhiều bỏ đi,

chúng tôi lại tiến hành mộ thêm bổ xung vào. Từ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) bắt đầu tạm thành ruộng(1).

          Vượt qua gian nan vất vả các cụ nguyên, thứ, tân mộ đã biến vùng đất bãi bồi chua mặn thành trại Tuần Lễ trù phú. Cuối cùng các cụ đã khẩn hoang được một vùng đất với chiều ngang là 1,5 đạc (mỗi đạc là 60m), chiều dài từ làng Phúc Nhạc xuống đến sông Đáy. Cụ Nguyễn Công Trứ quy định: Ai mộ được 50 đinh cho lập một lý, người đó làm lý trưởng. Ai mộ được 30 đinh cho lập một ấp, người đó làm ấp trưởng. Ai mộ được 15 đinh được làm một trại, cho làm trại trưởng. Lý có 600, ấp có 400 mẫu, trại có 200 mẫu.

          Bài Kim Sơn sự tích doanh điền ca có đoạn:

                                      Ai mà mộ được mười tên

                                Lập làm một giáp nhận điền dư trăm.

                                      Ai mà mộ được mời lăm

                                Lập làm một trại chiếu tinh quân điền.

                                      Ai mà mộ được ba mươi

                                Lập làm một ấp để truyền hậu lai.

                                      Ai mà mộ được năm mươi

                                Lập làm một lý khen tài đảm đang.

          Nguyễn Công Trứ cho lập trại Tuần Lễ do chiêu mộ Lê Văn Uẩn làm trại trưởng. Dưới sự chỉ đạo của chiêu, nguyên, thứ, tân mộ người dân trong trại nô nức khẩn hoang, làm hệ thống thủy lợi, giao thông và xây dựng làng xã. Các cụ còn vận động nhân dân trong trại tham gai đào sông Ân (năm 1899) nối từ sông Đáy xuống đến Lai Thành và đào sông Tuần Lễ chạy dọc theo chiều dài của làng để tiêu nước khi úng lụt và thau chua rửa mặn cho đồng ruộng.

          Diện tích khẩn hoang từ năm 1829 và các năm tiếp theo của trại Tuần Lễ là 300 mẫu, chiều ngang 90m, chiều dài 10km. Đồng ruộng được chia thành khoảnh, định hạng đắp đường vệ nông. Đất cao cho làm nhà cửa, đình miếu, ruộng thấp cho cấy lúa.

          Đất đai trại Tuần Lễ được quy hoạch theo sơ đồ

Làng Phúc Nhạc

 

Ruộng tư

 

 

Đê Hồng Lĩnh (Đường quan)

 

 

Ruộng tư

 

 

Văn chỉ, đền, miếu

 

 

Thổ ở, vườn ao

 

 

Ruộng tư

 

 

Bãi tha ma, thả trâu

 

Ấp Hòa Lạc

Thổ ở, vườn ao

Ấp Chí Tĩnh

 

Đường Ân đê (đường 10)

 

 

Sông Ân

 

 

Ruộng tư

 

 

Nghĩa trủng

 

 

Hai mươi mẫu ruộng tư

 

 

Học điền

 

 

Ruộng công

 

                                                          Sông Đáy

          Sau khi đã khai hoang lập ấp xong, xóm làng đông đúc, trù phú. Vào năm 1846 cụ Vũ Văn Kế cùng các cụ trong trại cho xây dựng đền, miếu, văn chỉ làm nơi thờ cúng Thành hoàng làng, đức Khổng Tử, nơi giao lưu hội họp việc làng. Cụ Vũ Văn Kế là người có công lao đóng góp xây dựng nên làng xóm, đền miếu Tuần Lễ nên được nhân dân bầu làm hộ trưởng (tương đương với chức lý trưởng). Miếu làng xây dựng xong các cụ cử người đến Phúc Nhạc rước chân nhang về thờ Hải Tề Long Vương và phong là Thành hoàng làng.

          Trong quá trình lập làng, người dân ở khu vực lân cận chết trôi dạt ở phía nam sông Ân, cụ Vũ Văn Kế là người đứng ra tổ chức đem xác chết chôn ở gò đất cao và hiện nay là gò nghĩa trủng, thôn Tuần Lễ.

          Năm 1894 thứ mộ Vũ Văn Kế là người trực tiếp đứng ra lo liệu xây dựng Từ đường họ Vũ. Cụ cho người về làng Phương Để bốc bát nhang gia tiên về đây thờ tự.   Sau khi cụ Vũ Văn Kế mất, con cháu lập nghiệp ở trại Tuần Lễ đã tôn cụ thành cụ tổ họ, người đầu tiên của dòng họ Vũ đến đây lập nghiệp. Cụ Vũ Văn Kế được thờ tự tại nhà thờ mà chính tay cụ xây dựng nên. Ngoài ra, nhà thờ Vũ Văn Kế còn là nơi thờ dòng họ Vũ ở thôn Tuần Lễ, xã Như Hòa.

          Kim Sơn là vùng đất của những con người ham học, trọng nghĩa, tôn kính những người có công với dân với nước. Nhiều cụ chiêu mộ, phó chiêu mộ là những nhà nho nên việc học tập, giáo dục càng được quan tâm. Ở mỗi làng, ấp đều đặt học đều nhằm khuyến khích những người học giỏi, đỗ đạt cao         . Các thế hệ nối tiếp của nhân dân Kim Sơn vẫn giữ được truyền thống hiếu học của cha ông. Dòng họ Vũ cũng có những người con đỗ đạt cao, như cụ Bảng nhãn Vũ Xuân Tâm là cháu của cụ Vũ Văn Kế đỗ đạt vào triều Đồng Khánh (1886 – 1888) làm chi phủ Nho Quan, phủ Gia Viễn.

2. Di tích trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ

          Phong trào nhân dân kháng chiến từ cuối năm 1948 sang đầu năm 1949 phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Xã Hùng Vương có một đại đội du kích có lực lượng bán tập trung, mặc dù chỉ được trang bị những vũ khí thô sơ nhưng thường xuyên được tập luyện. Đại đội du kích làm nhiệm vụ canh phòng tuần tra bảo vệ xóm làng và chuẩn bị chiến đấu khi giặc tới.

          Đầu năm 1949 Ban chỉ huy xã đội được hoàn chỉnh do các đồng chí Đảng viên chịu trách nhiệm: Đồng chí Vũ Giới – xã đội trưởng, đồng chí Nguyễn Thông – chính trị viên xã đội, đồng chí Phạm Huyên – xã đội phó(1).

          Sẵn sàng đối phó với giặc, ta tổ chức rào làng kháng chiến ở các thôn Tuần Lễ và Chí Tĩnh.

          Trong thời gian này công tác giáo vận ở huyện Kim Sơn và xã Hùng Vương có tầm quan trọng nhất định có sự chỉ đạo trực tiếp của Ban tôn giáo vận huyện ủy, đồng chí Trần Văn Tường cán bộ công giáo vận của huyện trực tiếp công tác tại xã Hùng Vương, nơi ở và thường trực của đồng chí Tường là Từ đường họ Vũ thôn Tuần Lễ(1)..       Năm 1949 – 1950 Từ đường họ Vũ nằm trong vùng địch hậu, con cháu cụ Vũ Văn Kế bí mật nuôi dấu cán bộ, bộ đội, nhiều lúc cán bộ phải ở lại nhiều ngày. Từ đường còn là nơi họp chi ủy bàn nội dung phá tề trừ gian, phục vụ bộ đội chủ lực đánh đồn bốt.

          Từ năm 1948 – 1954 di tích là nơi kết nạp nhiều đồng chí đảng viên.

          Trong kháng chiến chống Mỹ, Từ đường họ Vũ được hợp tác xã chọn làm thư viện, nơi dạy bổ túc văn hóa cho nhân dân địa phương. Cả dòng họ Vũ thôn Tuần Lễ có tới 40 thanh niên lên đường vào nam đánh Mỹ, trong đó 8 người đã anh dũng hy sinh trên các mặt trận phía Nam.

          Trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc dòng họ Vũ thôn Tuần Lễ có nhiều công lao đóng góp cho sự thắng lợi vẻ vang của đất nước.

          Năm 1965 gia đình ông Vũ Như Tùng được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng thưởng huy chương kháng chiến hạng nhì “Đã có thành tích trong cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc’’.

          Là con cháu cụ tổ Vũ Văn Kế, đồng chí Vũ Văn Bân từ trước khi địch nhảy dù xuống Kim Sơn ngày 16/10/1949 đã là chi ủy thường vụ chi bộ Hùng Vương, được điều lên công tác tại Ban tuyên huấn huyện ủy Kim Sơn. Khi Kim Sơn bị chiếm đồng chí được điều về làm bí thư chi bộ xã Hùng Vương. Hoạt động bí mật trong vùng địch, di chuyển chỗ ở nhiều nơi.

          Cuối tháng 3 năm 1950 đồng chí được giao nhiệm vụ về Thượng Kiệm hoạt động, đồng chí bị địch bắt ở đầu làng Trì Chính, bị giam ở xà lim Đề Lao Nam Định.      Ngày 5/5/1950 sau một thời gian tra tấn, giam giữ, địch không khai thác được tài liệu gì ở đồng chí, đồng chí được thả tự do.

          Tháng 10 năm 1950 đồng chí Vũ Văn Bân được bầu làm bí thư chi ủy xã.

          Ngày 10/1/1952 địch mở trận càn vào thôn Chí Tĩnh rồi sang Tuần Lễ(1). Trong trận càn này đồng chí bị địch bắt. Nằm trong các nhà tù, từ nhà tù Phát Diệm đến nhà tù Máy chai Nam Định, Hỏa Lò, Côn Đảo đồng chí luôn giữ vững ý chí chiến đấu của người Đảng viên, vẫn hoạt động bí mật trong tù.

          Tháng 11 năm 1954 tại nhà tù Côn Đảo đồng chí được trả tự do(2) về địa phương đồng chí được phân công làm Bí thư xã đoàn thanh niên cứu quốc, trải qua nhiều công tác đến lúc nghỉ hưu.    

Phần IV. Khảo tả di tích

          Di tích nhà thờ Vũ Văn Kế tọa lạc trên khu đất có diện tích 0,8 sào, kiến trúc theo kiểu tiền nhất hậu đinh, quay hướng nam. Phía trước là vườn hoa với diện tích 60m2. Cổng ra vào rộng 3m, được tạo bởi hai cột đồng trụ, phía trên đắp búp sen. Hai mặt trước cột đồng trụ đắp đôi câu đối.

                                      “Bách tải tuần phong quang dã sử,

                                           Thiên thu lễ hộ diện gia thanh”

Tạm dịch:                       Trăm năm nét đẹp dạng sử xã

                                      Nghìn thu lễ giáo sáng họ làng.

          Trước sân nhà thờ là tắc môn, cây cảnh, đôi rùa chầu vào chính tẩm. Hai đầu hồi là hai cột đồng trụ trên đắp đôi nghê chầu mặt trước nhấn chìm đôi câu đối:

          “Minh Mệnh niên địa tịch, Thành Thái nhật đường hoàn, lịch khảo tiền công thâm hữu tự

          Khải Định tích trùng tân, Bảo Đại kim tăng thức, tương kỳ vĩnh thế diễn vô cương’’.

          Tạm dịch: Năm Minh Mệnh mở đất, đời Thành Thái dựng xong, công đức của tiền nhân, khảo sát có nguồn gốc.

          Năm Khải Định sửa mới, đời Bảo Đại làm thêm, hẹn tới mãi đời sau, dạt dào không biên giới.

          Các đầu bẩy ngoài hiên tạc chìm chữ thọ, hoa văn tạc nổi đường triện. Phía trên mái hiên, ở gian chính giữa là bức đại tự nhấn chìm 4 chữ: “Phụng tiên tư hiếu’’, nghĩa là Thờ tiên tổ nghĩa tới đạo hiếu. Hai bên đắp nổi trúc hóa long và cuốn thư.

          Tòa Tiền đường xây dựng năm 1939, 3 gian với chiều cao 4,05m, chiều dài 7,2m, chiều rộng 2,4m mái làm theo kiểu cổ đẳng, 2 tầng, trên gắn ngói nam, trong xây cuốn, vì kèo kiểu ván mê, chất liệu làm từ hồ mật.

          Cửa ra vào tạo bởi 3 cửa cuốn, cửa giữa kiểu thượng song hạ bản, hai cửa bên kiểu con bài. Xung quanh vách tòa Tiền đường trang trí chim phượng, cuốn thư, long vân ám, chim phượng ngậm cành sen sơn vẽ màu. Song song với 3 cửa ra vào Tiền đường là 3 cửa con bài vào tòa Chính tẩm.

          Tòa Chính tẩm 3 gian 2 dĩ với chiều dài 7,2m, chiều rộng 3,5m. Hệ thống mái được nâng đỡ bởi ba hàng chân cột hai hàng cột cái cao 3,3m, hàng cột quân cao 2,7m. Chu vi mỗi cột là 64cm, phía dưới mỗi chân cột được đặt trên đá tảng. Vì kèo kiểu thượng trụ non hạ cổ ngỗng, chạm nổi hoa lá cách điệu, chữ thọ. Thượng lương có ghi dòng chữ Hán cho chúng ta biết tòa nhà được xây dựng vào năm thứ 6 (1894) đời vua Thành Thái. Gian chính giữa, phía trên treo bức đại tự nhấn chìm 3 chữ Hán: Tự Hồ Tiên, nghĩa là Thờ tiên tổ, với dòng lạc khoản long phi Ất Sửu. Phía dưới bức đại tự là nhang án thờ công đồng. Gian bên phải đặt bát nhang, bài vị thờ ngành trưởng. Gian bên trái đặt bát nhang, bài vị thờ ngành thứ. Đầu đốc bên phải đặt khám thờ táo quân.

          Chuôi vồ là nơi thờ tự chính với chiều ngang 1,8m, chiều sâu 1,5m là nơi đặt khám thờ, bài vị thờ Vũ Văn Kế.

Phần V. Loại hình di tích

          Di tích nhà thờ Vũ Văn Kế thôn Tuần Lễ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn thuộc loại hình di tích lịch sử. Nơi đây thờ thứ mộ Vũ Văn Kế - người có công lao đóng góp trong công cuộc khai hoang lấn biển tạo dựng xóm làng Tuần Lễ, xã Như Hòa. Ngoài ra di tích còn là nơi thờ tự dòng họ Vũ thôn Tuần Lễ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

Phần VI. Các hiện vật trong di tích

          Di tích nhà thờ Vũ Văn Kế, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn còn lưu giữ được một số hiện vật quý sau:

          - Bát hương.

          - Long ngai, bài vị.

          - Câu đối.

          - Đại tự.

          - Bảng chúc.

          - Đài.

          - Khám thờ.

          (Xem bảng thống kê di vật chi tiết kèm theo).

Phần VII. Các sinh hoạt văn hóa dân gian, ngày lễ tại di tích

          Tại di tích hàng năm diễn ra các ngày lễ mang đậm đà bản sắc dân tộc.

          - Ngày Thanh minh (lấy ngày chủ nhật đầu của tiết Thanh minh).

          - Ngày kỵ cụ Vũ Văn Kế 23/8 (âm lịch).

          - Ngày chạp họ (lấy ngày 1 tháng 1 dương lịch).

          - Dòng họ có một câu đối và bái điếu khi có thành viên qua đời.

          Trong đó ngày 23 tháng 8 là ngày lễ lớn nhất trong năm.

          Từ trước ngày 23 tháng 8 Ban cán sự gia tộc họp bàn cách thức tổ chức sao cho ngày lễ diễn ra trọng thể, trang nghiêm.

          Sáng ngày 23 tháng 8 tại sân nhà thờ tổ chức tế lễ linh đình. Có tế nam, tế nữ. Văn tế được viết bằng chữ Hán, sau đó dịch ra chữ quốc ngữ để đọc tại buổi lễ. Nội dung ca ngợi công đức của dòng họ Vũ và công lao của cụ Vũ Văn Kế đối với sự hình thành xóm làng Tuần Lễ hôm nay.

          Hội đồng gia tộc họ Vũ thôn Tuần Lễ còn có những quy chế riêng để con cháu học tập noi theo, như:

          Mỗi thành viên trong họ cần phải hiểu và truyền thụ về nếp sống gia đình, truyền thống về gia phong, về luân thường đạo lý, đạo nghĩa.

          Trong cuộc sống hàng ngày với anh em trong dòng họ phải nêu cao tinh thần thân ái thân tộc, tình thương ruột thịt.

          Luôn giữ gìn đảm bảo sự hòa thuận anh em, chị em có nề nếp từ trong gia đình đến dòng họ.

          Mọi thành viên trong họ bất cứ ở xa hay gần đều có trách nhiệm giữ gìn, tu bổ ngôi Từ đường do tổ tiên xây dựng.

          Ngoài ra còn có một số điều đoan ước, một số điều quy định về cách thức giải quyết khi các thành viên có những sai phạm trong quy chế của dòng họ.

Phần VIII. Phương án bảo vệ và sử dụng di tích

          Xuất phát từ những giá trị của di tích, Ban cán sự gia tộc và con em trong họ đã có những việc làm thiết thực để di tích không ngừng được bảo vệ và phát huy tác dụng.

          Trong những năm vừa qua các thành viên trong dòng họ thường xuyên đóng góp ngày công, tiền của để tôn tạo những hạng mục thuộc di tích bị hư hỏng. Năm 1993, Ban cán sự gia tộc đã xây dựng tường bao, cổng ra vào, tắc môn. Năm 1996 đảo mái, chống rột nát, sửa một số đồ thờ bị hư hại…

          Ban cán sự dòng họ thành lập năm 1982, trưởng ban là ông Vũ Văn Bân. Ban cán sự thành lập quy chế, thực hiện quy chế và điều hành những công việc có liên quan. Ban cán sự gồm những cụ có tinh thần trách nhiệm cao, am hiểu lịch sử đã dày công sưu tầm tư liệu phục vụ cho việc lập hồ sơ khoa học di tích nhà thờ Vũ Văn Kế. Hàng năm Ban cán sự tiếp nhận tiền công đức của con em trong dòng họ để có kinh phí tôn tạo di tích và hoạt động tế lễ.

          Di tích nhà thờ Vũ Văn Kế còn là nơi tổ chức tế lễ mang tính giáo dục truyền thống cho con cháu biết đến công lao của cụ tổ Vũ Văn Kế và của cả dòng họ trong quá trình khai hoang lấn biển tạo dựng nên xóm làng, những người con đã anh dũng hy sinh bảo vệ Tổ quốc trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Qua đây giáo dục con cháu không ngừng học hỏi, rèn luyện đạo đức bản thân để xứng đáng là người con, người cháu của dòng họ Vũ thôn Tuần Lễ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn.

Phần IX. Giá trị của di tích và ý kiến đề nghị

          Nhà thờ Vũ Văn Kế là công trình kiến trúc cổ truyền, khởi dựng vào năm Thành Thái thứ 6 (1894), được trùng tu lần thứ nhất vào năm 1920. Tòa Tiền đường xây dựng năm 1939. Xây dựng với quy mô vừa phải, các đầu bẩy ngoài hiên hoa văn tạc nổi đường triện, vì kèo tạc hoa lá cách điệu, chữ thọ, nét chạm tinh xảo.

          Di tích là nơi thờ thứ mộ Vũ Văn Kế và các thế hệ sau cụ của dòng họ Vũ thôn Tuần Lễ, xã Như Hòa. Cụ tổ Vũ Văn Kế là người có nhiều công lao đóng góp cho sự hình thành xóm làng Tuần Lễ, xã Như Hòa hôm nay.

          Nhà thờ Vũ Văn Kế nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý như: long ngai, nhang án, câu đối, đại tự… Là nơi diễn ra các ngày lễ trong năm của dòng họ Vũ, nơi giáo dục truyền thống cho con cháu biết đến công lao những lớp người đi trước đã tạo dựng và bảo vệ quê hương đất nước.

          Xuất phát từ những giá trị của di tích, nguyện vọng của Ban cán sự gia tộc cũng như nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, Ban quản lý Di tích và Danh thắng, Sở Văn hóa – Thông tin lập hồ sơ khoa học trân trọng đề nghị Hội đồng khoa học xét duyệt trình UBND tỉnh Ninh Bình ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa./.

 

 

 

 

 
Video
Dữ liệu đang được cập nhật
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 102772

Trực tuyến: 2

Hôm nay: 121