Trang Thông tin điện tử

xã Như Hòa - Huyện Kim Sơn

Thứ tư, 22/01/2025

   LÝ LỊCH DI TÍCH ĐỀN NHƯ ĐỘ

Thứ ba, 03/05/2022

         LÝ LỊCH DI TÍCH ĐỀN NHƯ ĐỘ

Xã: Như Hòa

Huyện: Kim Sơn

Tỉnh: Ninh Bình

              PHẦN I. TÊN GỌI CỦA DI TÍCH

          Từ xưa đến nay nhân dân thôn Như Độ vẫn thường gọi là đền Như Độ, tức là gọi theo tên làng. Đền thờ Đức Thánh Trần Nguyễn Hãng, một vị tướng giỏi dưới triều Trần có công đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc. Ngoài ra đền còn thờ các cụ chiêu, nguyên, thứ, tân mộ, những người có công trong công cuộc khẩn hoang thành lập ra huyện Kim Sơn. Do đó đền cũng còn có tên gọi khác là Miếu làng Như Độ.

           PHẦN II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ - ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH

           1. Địa điểm phân bố

          Di tích đền Như Độ nằm về phía Tây Bắc UBND xã Như Hòa, cách thị trấn Phát Diệm 2,5 km về phía đông. Di tích tọa lạc trên mảnh đất rộng, cao, quay hướng nam.

          Xã Như Hòa là một xã rộng lớn với diện tích đất tự nhiên là 496,56ha, dân số 5800 người(1). Phía đông giáp xã Hùng Tiến, phía tây giáp xã Quang Thiện, phía nam giáp sông Đáy và phía bắc giáp xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh.

          Trước năm 1829, khi chưa có con người đến khai hoang thì huyện Kim Sơn còn là một vùng đất ven biển thuộc phủ Trường Yên với hơn 3000 mẫu, cỏ cây mọc um tùm(2).

          Tháng 2 năm 1829, Nguyễn Công Trứ cùng các cụ chiêu, nguyên, thứ, tân mộ khẩn hoang lập nên huyện Kim Sơn. Từ đó cho đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 vùng đất có di tích thuộc ấp Như Độ, tổng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, di tích thuộc thôn Như Độ xã Hùng Vương (gồm 4 thôn: Trí Tĩnh, Tuần Lễ, Hòa Lạc, Như Độ). Năm 1950, sát nhập xã Ngô Quyền về xã Hùng Vương ( xã Hùng Vương có 5 thôn: Quy Hậu, Trí Tĩnh, Tuần Lễ, Hòa Lạc, Như Độ).

          Tháng 8 năm 1956 tách xã Hùng Vương thành 2 xã: Hùng Vương và Hùng Tiến. Xã Hùng Vương gồm các thôn: Như Độ, Hòa Lạc, Tuần Lễ.

          Năm 1964, thực hiện chủ trương không lấy tên gọi các anh hùng và danh nhân dân tộc đặt cho các xã. Xã Hùng Vương được đổi thành xã Như Hòa. Di tích thuộc xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

          Năm 1976, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Hà Nam thành tỉnh Hà Nam Ninh. Di tích thuộc xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Hà Nam Ninh.

          Năm 1992, tái lập tỉnh Ninh Bình, đền Như Độ thuộc xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

         2. Đường đi đến di tích

          Du khách muốn đi đến di tích đền Như Độ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, có thể đi bằng những con đường sau:

          - Đường bộ: Từ thị xã Ninh Bình theo quốc lộ số 10 Ninh Bình – Phát Diệm 24,5 km đến cầu Như Độ rẽ phải vào đường Như Độ đi khoảng 2,5km di tích nằm bên phải đường.

          - Đường thủy: Từ bến Non Nước (thị xã Ninh Bình) theo dòng sông Vân 6 km đến ngã ba sông Cầu Yên, rẽ trái vào sông Vạc, đi khoảng 23 km đến cầu Trì Chính, rẽ trái vào con sông Ân đi khoảng 2km, đến cầu Như Độ, rẽ trái vào con sông Đào Như Độ, đi khoảng 2,5km, di tích nằm bên phải đường, cuối làng Như Độ.

            PHẦN III. SỰ KIỆN NHÂN VẬT LỊCH SỬ LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH

          1. Nhân vật thờ

          a. Hương Mai đại vương Trần Nguyên Hãng

          Người thân sinh ra Trần Nguyên Hãng là ông Trần Vi Nhân và bà Đặng Thị Thục người xã Kim Đông, chuyên nghề làm thuốc.

          Tháng 2 năm Tân Sửu (1371) sinh ra đức Vương Huynh. Ngài tên húy là Khát Chân, tên chữ là Kính Đức. Năm Thiệu Khánh thứ 3 năm Qúy Mão (1372) sinh ra Đức Vương Đệ (Trần Nguyên Hãng) ở xã Nhuế Dương. Ngài tên húy là Trần Nguyên Hãng, tên chữ là Hương Mai đời vua Trần Nghệ Tông niên hiệu Thiệu Khánh tam niên.

          Đêm hôm ấy, bà mơ thấy ông thần cho cành quế đỏ mà bảo rằng: Nhà này 3 đời làm thuốc, tu nhân tích đức sau này hẳn có khanh tướng, khi tỉnh dậy (mộng) thì sinh Đức Vương Đệ. Khi hai Vương lớn lên học hành thông sáng, năm niên hiệu Xương Phù thứ 12 (1388), hai Vương cùng thi đỗ Thái học sinh, niên hiệu Quang Thái thứ 3 (1390).

          Năm 1390, Đức Vương Huynh được phong Đồng Tiệp tướng quân, gặp khi quân Chiêm thành sang cướp nước ta, vua Nghệ Tông sai Hồ Quý Ly đem quân đi đánh, Quý Ly thua to trở về Đông Đô.

          Vua lại sai hai Vương đi đánh, Vương nói rằng: Nước Chiêm Thành là nước phụ thuộc nước ta, vẫn phải sang triều cống mà nay lại giám sang xâm chiếm bờ cõi, quan đại tướng mang quân đi đã bị thua, mà nay ta lại phụng mệnh xuất chinh, nếu bình được còn có ngày về, nếu giặc tràn đến thì không còn tính mạng đem quân ra giữ đất Hải Lãng. Vua Chế Bồng Nga (Chiêm Thành) đem chiến thuyền đến đánh, khi ấy có người ở Chiêm Thành nay bị trách phạt nên hắn lén sang mật báo và chỉ đồn thuyền của vua Chế Bồng Nga cho Vương biết. Bấy giờ Vương ra lệnh cho quân sỹ cứ nhằm thuyền ấy mà bắn, cho nên quân Chiêm đắm thuyền. Vương lấy được đầu Chế Bồng Nga năm 1390 rồi thừa thế sai quân đuổi đánh, quân Chiêm Thành đại bại phải rút quân về.

          Khi Vương về vua Thuận Tông phong cho Vương Huynh làm nội vệ tướng quân, quan nội hầu lấy đất Đông Thành Nguyên Sá 2 tổng làm Thái ấp.

          Năm Quang Thái thứ 17 (1395), vua Nghệ Tông lại lấy xã Cổ Mai làm hai Vương Thái ấp. Từ đấy hai Vương lập rinh vệ ở xã Cổ Mai, năm Quang Thái thứ 10, Vương Huynh (Trần Khát Chân) lấy bà Lê Thị Ngọc Rao người xã Nhuế Dương làm phu nhân. Vương Đệ (Trần Nguyên Hãng) lấy bà Vũ Thị Ngọc ở xã Cổ Mai làm phu nhân.

          Năm Thiếu Đế, niên hiệu Kiến Tân thứ hai (1400), Hồ Quý Ly giết vua Thuận Đế, cướp ngôi. Lòng hai Vương uất ức trăm chiều, lên núi Đốn Lĩnh, huyện Vĩnh Lộc thề thốt cùng nhau quyết giết Hồ Quý Ly để báo thù cho chúa, liền dụ Quý Ly đến Gia Lâu, Thất Yến, sai ông Ngưu Tất đem kiếm lên sau, tự nhiên trời nổi gió, cơn giông bay tốc áo bị lộ gươm. Quý Ly trông thấy biết ý từ chối xin về, rồi đem quân vây bắt hai Vương và đồ đệ hơn 300 người đem giết đi.

          Phần mộ ngài táng ở núi Đốn Sơn. Sau ông Vũ Toản về tịch thu gia sản của hai Vương chia cho người làng Cổ Mai, người làng ấy nhớ hai Vương lập đền thờ và tạc tượng hai vị bằng đá để phụng sự đến ngày nay. Sau này Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh giặc Minh xâm lược. Vào một đêm vua nằm mộng thấy hai Vương báo cho những kế thuật đánh giặc, hai Vương báo mộng cho vua, Liễu Thăng và Mộc Thạch đem quân sang cứu Vương Thông, Liễu Thăng đi lối ải Chi Lăng, Mộc Thạch đi đường Vân Nam sang. Vua sai Lê Lễ, Lê Sĩ đem quân mai phục Chi Lăng giết được Liễu Thăng.

          Khi bình thiên hạ rồi, vua phong cho Vương huynh (Trần Khát Chân) là Chân Thiên Đại Vương thụy Trung Hiến, Vương đệ (Trần Nguyên Hãng) là Hương Mai Đại Vương thụy Trung Tiết tuấn mại Cương Trung, đoan lượng quang úy, dực bảo trung hưng, trác vĩ thượng đẳng thần. Vua phong cho ông Phạm Ngưu Tất là Ngoại lang tướng quân. Từ đấy đến nay các triều vua vẫn phong tặng, hương khói muôn đời.

          Theo cuốn “Các triều đại Việt Nam’’ thì triều Trần lúc đó có Thái Bảo Trần Nguyên Hãng, thượng tướng quân Trần Khát Chân lập hội tế mưu trừ Quý Ly. Việc bại lộ, Hồ Quý Ly cho giết tất cả 370 người. Sau đó, Hồ Quý Ly lại xưng là Quốc Tế Thượng Hoàng ở cung nhân thọ. Tháng 2 năm Canh Thìn (1400) Hồ Quý Ly bỏ Thiếu Đế rồi tự xưng làm vua, lật đổ nhà Trần lập nên nhà Hồ

          Do có nhiều công lao trong việc đánh đuổi quân Chiêm Thành và lật đổ nhà Hồ (nhưng không thành). Vua Lê Thánh Tông đã phong cho ông là Hương Mai Đại Vương. Sau khi ông bị Hồ Quý Ly bắt giết, nhân dân làng Cổ Mai đã lập đền thờ. Ở đền Hoàng Mai từ đời Lê trở xuống còn nhiều sắc phong. Nhân dân làng Như Độ đã rước Thánh về thờ và đặt ra khóa lệ Tý, Ngọ, Mão, Dậu (ba năm một lần lễ lớn).

b. Thờ chiêu mộ Doãn Dư và các nguyên, thứ, tân mộ

          Chiêu mộ Doãn Dư người làng Hoàng Mai – Hà Nội và các nguyên, thứ, tân mộ khác như Nguyễn Văn Đồng người Trà Lũ – Nam Định, Nguyễn Văn Chi người Hoàng Mai – Hà Nội, cụ Doãn Rật con trai cụ chiêu mộ là những người có công tạo lập khai khẩn thành nhiều dòng họ lớn trong buổi đầu thành lập huyện Kim Sơn năm Kỷ Sửu (1829) như dòng họ Doãn, họ Nguyễn, họ Trương, họ Trịnh…

          Làng Như Độ thuộc tổng Quy Hậu, làng được lập vào những năm (1829) cùng với huyện Kim Sơn. Tổng Quy Hậu bao gồm các trại, ấp sau Quy Hậu, Như Độ, Tuần Lễ, Hòa Lạc, Khiết Kỷ, Duy Hòa, Hàm Ân (gồm 7 tổng, 36 làng, 2 ấp trại).

          Tháng 2 năm Kỷ Sửu (1829), nhà doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đứng ra chỉ đạo và tổ chức một cuộc khẩn hoang với quy mô lớn ở vùng này. Công cuộc khẩn hoang được tiến hành hết sức khẩn trương và vô cùng gian lao vất vả, có nơi phải làm đi làm lại qua hai ba đời chiêu mộ, bốn năm năm trời mới thành lập được trại, ấp

          Những ngày đầu của công cuộc khẩn hoang vô cùng vất vả, thời tiết khắc nghiệt, nước mặn đói rét, lương thực thực phẩm thiếu thốn. Theo tờ trình của các lý, ấp, trại trong toàn huyện vào năm Tự Đức thứ 3 (1830) có ghi lại: Kim Sơn ta nguyên trước là dải đất duyên hải hoang hóa, khí nước rất mặn. Lúc mới khai khẩn công cuộc vô cùng gian khổ, dân mộ đến trước mắt chưa thấy gì. Nhân dân phần nhiều bỏ đi, chúng tôi lại tiến hành mộ thêm bổ sung vào. Từ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) bắt đầu tạm thành ruộng

          Bài Kim Sơn sự tích doanh điền ca có đoạn:

                                      Ai mà mộ được mười tên

                                Lập làm một giáp nhận điền dư trăm.

                                      Ai mà mộ được mời lăm

                                Lập làm một trại chiếu tinh quân điền.

                                      Ai mà mộ được ba mươi

                                Lập làm một ấp để truyền hậu lai.

                                      Ai mà mộ được năm mươi

                                Lập làm một lý khen tài đảm đang.

          Cụ Nguyễn Công Trứ còn chia các làng Kim Sơn theo hình thức cá, cụ chiêu nào mộ được nhiều dân đinh thì chia về ngang làng rộng hơn, làng ít dân đinh thì hẹp hơn, làng Như Độ có chiều ngang đều là 4 đạc (240m).

          Năm Minh Mạng 11 (1830) sau khi khẩn hoang lập ấp dân làng cho xây dựng đền, chùa, văn chỉ  làm nơi thờ tự hương khói. Như Độ ngày xưa các quan và hiền nhân chọn xây văn chỉ thờ đức Khổng Tử và bia ghi công đức các vị đỗ đạt trong các kỳ thi thời phong kiến.

          Đền Như Độ thờ cụ chiêu mộ Doãn Dư, ngoài ra còn thờ 76 cụ nguyên, thứ, tân mộ khác – những người có công khai khẩn thành lập huyện Kim Sơn nói chung và làng Như Độ nói riêng trong những năm đầu khai dân lập ấp (1829).

          2. Di tích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ

          Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, đền Như Độ là cơ sở tập luyện của dân quân, du kích.

          Tháng 10 năm 1949, thực dân Pháp nhảy dù chiếm đóng Phát Diệm, chúng tăng cường binh lính lùng xục, rà soát, bắt bớ các chiến sỹ cách mạng. Đền Như Độ là cơ sở của quân và dân ta giữa vùng tự do và vùng địch hậu (hiện nay ngay trong lòng đền vẫn còn vết tích của hai hầm do các chiến sỹ cách mạng của ta đào làm nơi trú ẩn).

          Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đền là nơi chứa lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng của bộ đội địa phương. Ngoài ra đền còn là nơi hội họp chi bộ của chiến sỹ cách mạng, là nơi kết nạp Đảng viên…

          Cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã đi vào tâm thức của những người dân Kim Sơn nói chung và làng Như Độ nói riêng. Dưới đây là những vần thơ của người dân làng Như Độ:

                   Đầu làng có một ngôi đền

                   Ba tòa nghiêm chỉnh tô thêm đời đời

                   Chính cung Thánh Thượng cao vời

                   Ngọc trung thờ Tổ những người có công.

                   Dưới hầm để súng quận công

                   Máng trên quân ở ngoài trong đi về

                   Tiền đường họp Đảng làng quê

                   Ngoài sân Miếu hạ thác về nuôi quân

                   Hiên ngoài hai vị vệ quân

                   Tay cầm gươm gác dưới chân có hầm

                   Công này công của toàn dân

                   Có công của cụ Từ Hân góp phần.

                   Miếu chùa phất ngọn cờ đào

                   Góp công đánh giặc ghi vào sử xanh

                   Góp mầu để vẽ lên tranh

                   Tô thêm cảnh đẹp có dân có làng

                   Miếu chùa ngày một khang trang

                   Ghi tên tiến cúng sổ vàng cùng dân.

          PHẦN IV. KHẢO TẢ DI TÍCH

          Về bố cục chung, đền Như Độ tọa lạc trên mảnh đất cao, rộng có diện tích 4776m2 về phía Tây Bắc làng Như Độ - xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.

          Đền quay hướng Nam trông ra cánh đồng lúa mênh mông. Đền có kiến trúc kiểu hình chữ đinh, gồm 3 tòa: Tiền đường, Thiêu hương (Trung đường), Hậu cung.

          Tòa ngoài là Tiền đường gồm 5 gian, mái lợp ngói nam, nền nhà lát gạch, chiều dài lòng nhà là 16,3m, chiều rộng 5,5m. Hệ thống mái liên kết bởi những hàng vì kèo và các hoành, chịu lực cho những bộ vì đỡ mái là những bức tường xây dầy, rộng, cao xung quanh. Việc bài trí ở đây rất đơn giản. Bức đại tự treo gian giữa đề “Thánh cung Vạn Tuế’’ sơn son thếp vàng, đề tài trang trí là lưỡng long chầu nguyệt. Bốn đôi câu đối treo trên các bức tường, ngoài ra còn đặt các đồ thờ tự khác như: quán tẩy, giá chiêng, kiệu, chấp kích, bát biểu…

          Phía trong là Thiêu hương (Trung đường) nền nhà lát gạch, mái cuốn vòm, phía trên lợp ngói nam, lòng nhà dài 8,95m, rộng 3,02m.

          Là nơi thờ các cụ chiêu, nguyên, thứ, tân mộ và thờ quan Văn, quan Võ. Ở đây đặt các đồ thờ tự: bát hương, nhang án, ngai, bài vị… Tiếp đến là Hậu cung nơi thờ Đức Thành Hoàng Trần Nguyên Hãng, Hậu cung hẹp có diện tích lòng nhà 3,1m chiều dài, 4m chiều rộng, mái cuốn phía ngoài lợp ngói nam, nền nhà lát gạch. Chất liệu xây dựng gồm gạch thất, vôi cát rất vững chắc, ở giữa là ban thờ, nơi đặt khám, tượng thờ đức Thành hoàng Trần Nguyên Hãng cùng các đồ thờ tự khác, bát hương, ngai, bài vị, sắc phong, câu đối…

          Phía đông khuôn viên đền là Giải Vũ gồm 4 gian là nơi hội họp, bàn bạc việc tế lễ của dân làng, nhà xây cấp 4 mái lợp ngói xi măng. Đối diện với Giải Vũ là đền Hạ nằm phía tây, đền Hạ mới được nhân dân xây dựng lại nhà vào năm 2004 (đền Hạ cũ đã xuống cấp nên dân làng bỏ trống, không thờ ở đây mà đưa đồ thờ tự lên đền Hạ mới ngày nay) đền Hạ thờ quan Bản Thổ, lòng nhà dài 4,6m, rộng 3,6m, nền lát gạch, gồm 3 cửa, hiên rộng 1m, mái lợp ngói. Bên trong là những đồ thờ tự: bát hương, ngai, bài vị, câu đối…

           PHẦN V. LOẠI HÌNH DI TÍCH

          Căn cứ vào kết cấu kiến trúc, đồ thờ tự và những sự kiện, nhân vật lịch sử liên quan đến di tích. Chúng tôi nhận thấy đền Như Độ thuộc loại hình di tích lịch sử.

            PHẦN VI. CÁC DI VẬT TRONG DI TÍCH

          Trải qua quá trình nghiên cứu, khảo sát thực tế tại đền Như Độ. Chúng tôi nhận thấy rằng đền Như Độ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn còn lưu giữ một số hiện vật quý sau:

          - Bát hương

          - Long ngai

          - Bài vị

          - Khám thờ

          - Tượng thờ

          - Sắc phong…

            PHẦN VII. TÌNH TRẠNG BẢO QUẢN VÀ PHƯƠNG ÁN PHÁT HUY TÁC DỤNG DI TÍCH

          Qua nghiên cứu tư liệu và di vật hiện còn lưu giữ ở đền cho thấy đền được nhân dân trong làng khởi công xây dựng trước năm 1846, trùng tu năm 1911 cho đến ngày nay. Đền thờ đức Thành Hoàng Trần Nguyên Hãng, người có công chống quân xâm lược Chiêm Thành thời Trần.

          Ngoài ra đền Như Độ còn thờ những cụ chiêu, nguyên, thứ, tân mộ - mà cụ thể là thờ cụ chiêu mộ Doãn Dư người có công khẩn hoang lập ấp tạo nên làng Như Độ ngày nay.

          Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã Như Hòa, những năm gần đây Ban khánh tiết được thành lập bao gồm các cụ cao niên trong làng có nhiệm vụ kiến thiết, quản lý, tổ chức sinh hoạt tế lễ trong các khóa lệ.

           PHẦN VIII. CÁC HÌNH THỨC SINH HOẠT VĂN HÓA DÂN GIAN, LỄ HỘI.

          Thông lệ từ trước đến nay không thay đổi. Các cụ trong làng chọn những năm Tý – Ngọ - Mão – Dậu tức là cứ 12 (1 giáp) có 4 lần mở lễ hội, 3 năm một lần vào dịp rằm tháng 2 âm lịch.

          Những năm không mở lễ hội, rằm tháng giêng làng tổ chức lễ Kỳ Yên, Yến Lão chúc thọ các cụ chẵn tuổi từ 60 trở lên tổ chức trong một ngày tại đền. Lễ hội theo khóa lệ thường diễn ra trong hai ngày từ chiều ngày 13 tháng 2 đến trưa 15-2 âm lịch thì kết thúc.

          Trong khóa lệ gồm hai phần: phần Lễ và phần Hội

         1. Phần Lễ

          Lễ là phần trang trọng thành kính được chuẩn bị chu đáo bao gồm: rước, dâng hương – đọc thánh sử, tế.

          Trước ngày khai mạc khóa lệ, các cụ trong Ban khánh tiết của làng họp dân thông báo về chương trình lễ hội, phân công công việc, chuẩn bị lễ vật, đồ thờ tự.

          Buổi sáng ngày 13/2 âm lịch các vị chức sắc trong làng, thanh thiếu niên khênh các đồ thờ cúng ra lau chùi, sắp xếp, để ngay ngắn trước cửa đền.

          Buổi chiều vào giờ Thân các cụ cao niên, Ban khánh tiết, cụ Mạnh Bái và đội tế nam cùng dân làng rước kiệu song hành lên Phủ trong Chùa thỉnh chuông, dâng hương khấn vái, xin đài kính thỉnh thánh Mẫu về đền cung phụng suốt trong thời gian diễn ra khóa lệ (lễ hội). Ban đêm hát văn hầu thánh Mẫu.

          Ngày 14/2 âm lịch là ngày khai mạc, lễ hội diễn ra vô cùng long trọng và hân hoan gần như đủ khắp già trẻ gái trai trong làng đều đến dự lễ hội. Các đoàn đại biểu và các quý khách thập phương cũng đến dự đông đủ.

          Đúng 7 giờ lễ rước bắt đầu, lộ trình rước từ Đền đi theo đường làng đến Văn Chỉ (cũ) tức là UBND xã ngày nay thì quay lại.

          Đi đầu đoàn rước là cờ thần, cờ ngũ sắc (ngày nay đi đầu là cờ Tổ quốc do các đồng chí hội Cựu chiến binh mang quân phục cầm). Tiếp đến là đội nhạc trống, lao bạc khua vang, dưới sông có thuyền trang trí rực rỡ vừa chèo vừa hát văn, đội múa rồng đi trước kiệu, hai bên là hai hàng cầm binh khí thờ như chấp kích, bát biểu, đại đao, quân cờ. Các nam, nữ thanh niên khiêng kiệu song hành và kiệu bát cống. Sau cùng là hàng ngàn người ăn mặc đẹp, các cụ già mặc áo dài nâu, đầu cuốn khăn và con em trong làng trong những trang phục mới đi dự lễ hội. Đoàn rước kéo dài mãi, khi đoàn rước quay trở lại, các gia đình bên đường thắp hương, mang hoa quả, lễ vật ra dâng mong được Phật, Thánh phù hộ.

          Khi đoàn rước trở lại Đền, kiệu được hạ xuống, bát nhang, lễ vật được đặt lên nhang án, dâng hương xong cụ Chủ lễ khai mạc, đọc thánh sử thỉnh một hồi chuông rồi chúc phúc mọi người.

          Sau phần khai mạc, các đoàn đại biểu như các cấp chính quyền, dòng tộc. Các dòng họ dâng hương lễ vật. Buổi chiều các hội lễ bắt đầu, bao gồm cả các làng khác cũng tham gia tế.

          Ngày 15/2 âm lịch tổ chức lễ Kỳ Yên – Yến Lão chúc thọ các cụ trong làng chẵn sáu, bảy, tám mươi và chín mươi tuổi trở lên. Trưa ngày 15/2 lễ hội kết thúc thành công tốt đẹp trong niềm hân hoan của mọi người.

          2. Phần hội

          Phần hội vô cùng náo nhiệt, hấp dẫn. Trong lễ hội từ xưa đến nay vẫn duy trì những trò chơi dân gian và chương trình văn nghệ.

          - Về trò chơi có các trò chơi dân gian truyền thống là:

          + Chọi gà: Những chú gà trống được thả ra ở bãi rộng có thể chọi một cặp hay nhiều cặp một lúc, chọi kỳ thua mới thôi.

          + Đánh cờ tướng: Ngày xưa đánh bằng quân bỏi do người cầm, ngày nay đánh bằng quân bỏi gỗ.

          + Đánh tổ tôm điếm: Dùng cái hộp ở trong có 5 điếm gọi là điếm: phú, quý, thọ, khang, ninh. Có một người xướng tên quân bài cho các điếm theo tên và hình vẽ của quân bài.

          + Bắt vịt trong ao: Vịt được thả ra từng đôi một trong ao trước Đền cho thanh thiếu niên đuổi bắt, ai bắt được thì được thưởng vịt.

          + Đấu vật: Đây là trò chơi sôi động nhất và cũng đông người xem nhất, thi đấu theo thể thức vòng tròn, đô nhất được làng thưởng một vuông vải đỏ.

          - Văn nghệ:

          Từ khi rước Thánh Mẫu về cung phụng trước nhang án và trong cung, lúc nào cũng có người đánh đàn và hát chầu văn hầu Thánh Mẫu và đức Thành Hoàng.

          Vào buổi tối đội văn nghệ tổ chức hát dân ca, diễn các tích chèo cổ, ngâm thơ… người xem rất đông mãi đến tận khuya.

          Lễ hội làng Như Độ 3 năm tổ chức 1 lần vào những năm (Tý, Ngọ, Mão, Dậu) đã trở thành truyền thống, đi sâu vào trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân. Từ lâu lễ hội đã là một trường học giáo dục về đạo đức, lẽ sống cho các thế hệ từ trước tới nay cũng như về sau.

          PHẦN IX. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH VÀ Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ

          Sau khi nghiên cứu khảo sát thực tế và thông qua các tài liệu có liên quan, chúng tôi nhận thấy di tích có các giá trị sau:

          Đền Như Độ thờ Thành Hoàng là Hương Mai Đại Vương Trần Nguyên Hãng – một vị tướng dưới triều Trần chống quân xâm lược Chiêm Thành. Đền thờ cụ chiêu mộ Doãn Dư và các nguyên, thứ, tân mộ khác có công trong công cuộc khai dân lập ấp tạo nên làng Như Độ - Tổng Quy Hậu năm Kỷ Sửu (1829).

          Đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: đồ thờ, sắc phong… đó là những nguồn sử liệu quan trọng giúp chúng ta nghiên cứu về quá trình hình thành, tồn tại của ngôi đền.

          Đền Như Độ là công trình kiến trúc cổ dưới triều Nguyễn – khác với các kiến trúc cùng thời chịu lực cho hệ thống mái là những hàng chân cột, thì đền Như Độ chịu lực cho hệ thống mái là những dãy tường xây cao, dầy, bằng gạch thất, vôi… là ngôi đền to lớn, đẹp nhất nhì huyện Kim Sơn.

          Đền là nơi tiếp diễn các sinh hoạt văn hóa cộng đồng, về tín ngưỡng, tôn giáo luôn gắn bó với đời sống cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người trong xã hội cổ truyền cũng như hiện đại.

          Xuất phát từ giá trị nhiều mặt của di tích, thể theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương, Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Ninh Bình lập hồ sơ khoa học đề nghị Hội đồng khoa học xét duyệt trình Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ra Quyết định xếp hạng di tích đền Như Độ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là di tích lịch sử - văn hóa./.

 

 

 

 

Video
Dữ liệu đang được cập nhật
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 102766

Trực tuyến: 3

Hôm nay: 115