LÝ LỊCH DI TÍCH MIẾU TUẦN LỄ
LÝ LỊCH DI TÍCH MIẾU TUẦN LỄ
Thôn: Tuần Lễ
Xã: Như Hòa
Huyện: Kim Sơn
Tỉnh: Ninh Bình
Phần I. TÊN GỌI DI TÍCH
Di tích có tên gọi là miếu Tuần Lễ, tức là gọi theo tên làng Tuần Lễ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Miếu là tên gọi quen thuộc ở vùng biển Kim Sơn, giống như đền ở nơi khác. Ngoài tên gọi trên, di tích còn có tên gọi khác là miếu Vũ, thờ thành hoàng làng Tuần Lễ.
Phần II. ĐỊA ĐIỂM PHÂN BỐ - ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH
1. Địa điểm phân bố
Di tích miếu Tuần Lễ nằm về phía đông – bắc UBND xã Như Hòa, cách thị trấn Phát Diệm 3km về phía đông. Di tích tọa lạc trên mảnh đất cao, quay hướng đông nam.
Xã Như Hòa là một xã rộng lớn với diện tích đất tự nhiên là 496,56ha, dân số 5800 người(1), phía đông giáp xã Hùng Tiến, phía bắc giáp xã Khánh Nhạc – huyện Yên Khánh, phía tây giáp xã Quang Thiện và phía nam giáp sông Đáy. Do địa hình có một vùng bãi bồi ven biển nên xã Như Hòa có địa hình thấp dần từ tây bắc xuống đông nam. Trước năm 1829, khi chưa có con người đến khai hoang thì huyện Kim Sơn còn là một vùng đất ven biển thuộc phủ Trường Yên với hơn 3000 mẫu, cỏ cây mọc um tùm
Tháng 2 năm 1829, Nguyễn Công Trứ cùng các cụ chiêu, nguyên, thứ, tân mộ khẩn hoang lập nên huyện Kim Sơn. Từ đó cho đến trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, vùng đất có di tích thuộc trại Tuần Lễ, tổng Quy Hậu, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, di tích thuộc thôn Tuần Lễ, xã Hùng Vương (gồm 4 thôn: Chí Tĩnh, Tuần Lễ, Hòa Lạc, Như Độ).
Năm 1950, sát nhập xã Ngô Quyền về xã Hùng Vương (xã Hùng Vương có 5 thôn: Quy Hậu, Chí Tĩnh, Tuần Lễ, Hòa Lạc, Như Độ).
Tháng 8 năm 1956, tách xã Hùng Vương thành hai xã Hùng Vương và Hùng Tiến. Xã Hùng Vương gồm các thôn: Như Độ, Hòa Lạc, Tuần Lễ.
Năm 1964, thực hiện chủ trương không lấy tên gọi các anh hùng và danh nhân dân tộc đặt cho các xã. Xã Hùng Vương được đổi thành xã Như Hòa. Di tích thuộc xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Năm 1976, hai tỉnh Ninh Bình và Nam Hà hợp nhất thành tỉnh Hà Nam Ninh, di tích thuộc xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Hà Nam Ninh.
Năm 1992, tái lập tỉnh Ninh Bình, miếu Tuần Lễ thuộc xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
2. Đường đi đến di tích
Muốn đến di tích miếu Tuần Lễ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, quý khách có thể đi bằng những con đường sau:
a. Đường bộ: Từ thị xã Ninh Bình, du khách theo quốc lộ số 10 (Ninh Bình – Phát Diệm) khoảng 24km, đến cầu Tuần Lễ, rẽ phải vào đường làng Tuần Lễ đi khoảng 2km, di tích nằm bên phải đường.
b. Đường thủy: Từ bến đò Non nước (thị xã Ninh Bình), theo dòng sông …. 6km đến ngã ba sông Cầu Yên, rẽ trái vào sông Vạc đi khoảng 23km …. Chính, rẽ trái vào sông Ân, đi khoảng 2,5km đến cầu Tuần Lễ… Tuần Lễ đi khoảng 2km, di tích nằm bên phải.
Hình ảnh Miếu Tuần Lễ
Phần III. SỰ KIỆN – NHÂN VẬT LỊCH SỬ LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH
1. Hải Tề Long Vương hay Thủy Tề Long Vương cùng các chiêu, nguyên, thứ, tân mộ lập nên trại Tuần Lễ.
Theo truyền thuyết kể lại rằng: từ thời Lê Trung Hưng nhân dân nhiều nơi về đây cư trú, làm nghề đánh bắt cá, tôm để mưu sinh. Nơi đây bốn bề lau sậy um tùm, nhìn hết tầm mắt chỉ thấy một dải bờ xa xa, một màu xanh mờ nhạt, khi triều xuống là bãi đầy lau sậy, khi triều lên chỉ nhìn thấy một vùng nước bạc mênh mông.
Chuyện cũ kể lại rằng: ngày xưa có hai gia đình ở gần bờ biển, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chuyên nghề đánh bắt cá, tôm để sinh sống. Hai nhà láng giềng trở thành đôi bạn thân thiết, cùng nhau trung sức, đùm bọc lẫn nhau. Theo thường lệ, ngày nào cũng vậy, cơm nước xong cùng nhau đem ngư cụ ra bãi làm nghề. Họ chuẩn bị ngư cụ thật chu đáo chờ đúng dịp để làm nghề đánh bắt.
Một hôm, đang lúc đánh bắt bỗng nhìn thấy xa xa có một vật bằng gỗ trôi bập bềnh trên mặt nước, từ từ trôi đến chỗ hai người. Họ vớt lên xem có thấy một dòng chữ vàng óng ánh như vàng, biết đó là thần bài, họ trân trọng đặt thần bài lên gò đất rồi lạy tạ, khấn vái cầu thần ủng hộ gặp mọi sự may mắn. Lễ xong họ lại tiếp tục đánh bắt cá, tôm. Từ đấy mẻ lưới nào cũng được rất nhiều tôm cá, chẳng mấy chốc đã nặng gánh. Trước khi ra về, họ lên gò vái tạ mong ngài âm phù cho được như ý sở nguyện. Sớm mai, sửa lễ ra tạ thần linh. Về sau, ngày nào cũng vậy, họ khấn thần trước khi đi đánh bắt, chiều nào họ cũng nặng gánh trở về. Cả hai gia đình trở nên khá giả. Dân làng nghe biết tin ấy, dân làng tìm đến kêu cầu thấy linh nghiệm. Bởi vậy, người về lễ bái ngày một đông. Nhân dân cùng nhau tự nguyện bỏ công, của xây dựng một ngôi miếu nhỏ ở ngay trên gò. Tiếng lành đồn xa nhiều người biết tới.
Cách đây mấy năm trước kia ở xứ Man Cốc, huyện Giao Thủy, phủ Thiên Trường, miền hạ Nam Định có ngôi miếu cổ ở ngay ven sông, một năm gặp mưa to, bão lớn, nước biển tràn vào trong miếu thần bài bị nước cuốn trôi không tìm thấy. Khi nghe được tin dân ở ven biển Ninh Bình, huyện Yên Khánh vớt được một thần bài trôi ở bãi biển, đem lên lập miếu thờ, cầu khấn rất linh nghiệm. Dân Man Cốc cử người đến dò hỏi đích thực là thế, trở về báo với dân làng.
Sau đó họ chuẩn bị thuyền bè và các vận dụng cần thiết cho vượt biển vào bãi, chờ lúc đêm tối vắng vẻ lẻn vào trong miếu mật tấu thần linh, rước trộm thần bài xuống thuyền vượt biển trở về làng cũ. Sáng dân làng ở đây (Phúc Nhạc – Yên Khánh) bây giờ, thấy mất thần bài, hỏi han tìm kiếm khắp nơi không rõ. Mãi về sau mới biết người xứ Man Cốc đã lẻn vào lấy trộm thần bài mang về. Nghe được tin ấy mọi người ai ai hối hận không trông giữ cẩn thận. Miếu tuy nhỏ nhưng tự khí khá đầy đủ, hèn vì một nỗi không còn thần vị, mà cũng không ai nhớ được duệ hiệu vị thần là gì để mà phục chế lại.
Dân làng tập hợp bàn tính, cử hai người tuổi ngoại ngũ tuần đi Man Cốc để xem lại thần vị về làm để thờ phụng cho nghiêm trang. Khi tới Man Cốc, hai người tu lễ vào lễ trong miếu rồi ra ngủ trọ ở nhà gần miếu. Đêm đến trong lúc ngủ say, một người được thần báo mộng, trong mộng thấy một lực sĩ đến tuyên triệu rằng: Đại vương có lệnh vời, người đó chỉnh đốn khăn áo ra đi, đến nơi đứng chờ ở dưới thềm, lát sau có lệnh truyền từ trong miếu vọng ra cho được lên thềm chờ lệnh. Lời vàng sang sảng từ Hậu cung ban xuống rằng: các ngươi có công vượt ngòi nước tới đây ta đã chứng giám tấm lòng ngưỡng mộ của dân sở tại, ta rất vừa lòng, nay ta ban cho duệ hiệu để về phụng sự. Ta là Long Vương thường đi du ngoạn khắp miền biển đông, nhân lúc thư nhàn, cưỡi sóng du lãm tới bờ biển thuộc làng các ngươi, nhân dân tỏ lòng tôn kính, đã bao năm hương khói phụng thờ, nay lại tìm đến nơi đây ghi chép thần thụy của ta để minh tự điển, ngươi nên ghi tạ lời ta, trở về báo với các huynh, thú cùng nhân dân trong hạt, cứ y như cũ phụng sự, ta sẽ sai sứ giả coi sóc thường xuyên, bất kỳ lúc nào ta sẽ qua lại trừ tai họa, không để phụ tấm lòng sùng kính của dân. Từ nay mỗi khi tế bái thấy nổi gió giông đó là xứ giả của ta đã hồi hoàn. Nghe vừa dứt lời, thì được ban lộc trầu cau. Người ấy đang muốn tâu trình thì lực sỹ đã giãn ra khỏi cửa khuyết. Lúc ấy giật mình thức giấc, mới biết mình vừa qua cơn thần mộng, vội vàng ngồi dậy lấy giấy bút ghi sự việc thần vừa báo, trở về thuật lại với mọi người trong làng. Từ đấy, dân y theo thần mộng phục chế thần bài, bốn mùa hương khói. Thần vị ghi: “Hải Tề Long Vương diệu hiệu chính thần’’.
Hàng năm cứ vào tháng 8 dân làng lễ thánh có lệ triệu phạn, khi nào thấy nổi gió giông biết là thánh đã hồi hoàn, sau đó mới lễ tạ. Khoảng năm Cảnh Trị triều Lê có vị quan chức trong triều đi qua địa phận xã Phúc Nhạc vào miếu chiêm bái có viết đôi câu đối:
Linh tích cửu chiêu Man Cốc cảnh
Thần công tặng hách Nhạc Vân lộ
Nghĩa là:
Khí thiêng muôn thủa nơi Man Cốc
Ơn thần ban xuống núi nào bằng.
Kể từ khi lập miếu các vua đời trước đều tặng phong là “Hải Tề Thượng đẳng thần’’.
Theo Lược sử thần tích miếu Tuần Lễ, thì Hải Tề Long Vương sinh ngày 15 tháng 8 (âm lịch), ngày hóa của ngài vào ngày 10 – 12 (âm lịch).
* Chiêu mộ Lê Văn Uẩn và các nguyên, thứ, tân mộ thành lập nên trại Tuần Lễ.
Tháng 2 năm Kỷ Sửu (1829), nhà danh điền sứ Nguyễn Công Trứ đứng ra chỉ đạo và tổ chức một cuộc khẩn hoang, với quy mô lớn ở vùng này. Công cuộc khẩn hoang được tiến hành hết sức khẩn trương vô cùng gian lao vất vả, có nơi phải làm đi làm lại qua hai, ba đời chiêu mộ, bốn năm năm trời mới thành lập được trại, ấp
Chiêu mộ Lê Văn Uẩn, người xã Phúc Nhạc, tổng An Vân, huyện Yên Mô là người có công trong cuộc khẩn hoang lập nên trại Tuần Lễ. Cùng với chiêu mộ Lê Văn Uẩn, phó chiêu mộ Nguyễn Hữu Lượng quê ở Bồng Hải, xã Khánh Thiện, Yên Khánh còn có 17 nguyên mộ, 7 thứ mộ và tân mộ về đây lập nên trại Tuần Lễ.
Những ngày đầu của công cuộc khẩn hoang vô cùng vất vả, thời tiết khắc nghiệt, nước mặn, đói rét, lương thực, thực phẩm thiếu thốn. Theo tờ trình của các lý, ấp, tại trong toàn huyện vào năm Tự Đức thứ 3 (1850) có ghi lại: Kim Sơn ta nguyên trước là dải đất duyên hải hoang hóa, khí nước rất mặn. Lúc mới khai khẩn công cuộc vô cùng gian khổ, dân mộ đến trước mặt chưa thấy gì, nhân dân phần nhiều bỏ đi, chúng tôi lại tiến hành mộ thêm bổ sung vào. Từ năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) đến năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) bắt đầu tạm thành ruộng. Trải qua những gian nan vất vả các nguyên, thứ, tân mộ đã cùng các cụ đã khẩn hoang được một vùng đất với chiều ngang là 1,3 đạc (mỗi đạc là 60m), chiều dài từ làng Phúc Nhạc xuống đến sông Đáy.
Nguyễn Công Trứ cho lập trại Tuần Lễ do chiêu mộ Lê Văn Uẩn làm trại trưởng. Dưới sự chỉ đạo của chiêu, nguyên, thứ tân mộ người dân trong trại nô nức khẩn hoang, làm hệ thống thủy lợi, giao thông và xây dựng làng xã. Các cụ còn vận động nhân dân trong trại tham gia đào sông Ân (năm 1899) đến sông Đáy đến Lai Thành và đào sông Tuần Lễ chạy dọc theo chiều dài của làng để tiêu nước, khi úng lụt và thau chua rửa mặn cho đồng ruộng. Sau khi đã khai hoang lập ấp xong, xóm làng đông đúc, trù phú. Vào những năm 1846, các cụ trong trại cho xây dựng đền, miếu, văn chỉ làm nơi thờ cúng thành hoàng làng, đức Khổng Tử, nơi giao lưu hội họp việc làng. Miếu làng xây dựng xong các cụ cử người đến Phúc Nhạc rước chân nhang về thờ Tề Hải Long Vương và phong là Thành hoàng làng Tuần Lễ.
2. Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn
Căn cứ vào một số thư tịch cổ, đến nay có thể tạm thời xác định được ngày ra đời của anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn đó là ngày 10 tháng 12 năm 1288 (Mậu Tý) và ngày mất 20 tháng 8 năm 1300 (Canh Tý). Trần Quốc Tuấn sinh tại hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường, ông là con thứ hai của An Sinh Vương Trần Liễu, và mẹ là Thuận Thiên công chúa, con gái cả vua Lý Huệ Tông. Do được phong là Hưng Đạo Vương nên xưa nay thường gọi là Hưng Đạo Vương. Thuở nhỏ ông sống ở ấp An Lạc. Đây là Thái ấp do thân phụ Trần Liễu mở mang mộ dân, khai khẩn.
Khi Trần Quốc Tuấn mới sinh ra, có người xem tướng, trông thấy nói: “Mai sau có thể kinh bang tế thế được’’ và xung quanh ông còn nhiều huyền thoại khác được người xưa ghi chép lại để anh hùng hóa nhân vật lịch sử nổi tiếng này. Ngay từ thuở nhỏ ông đã được xem là bậc kỳ tài. An sinh vương Trần Liễu đã cho mời các danh sử trong nước về dạy văn, võ cho Quốc Tuấn, vì thế ông nổi tiếng học rộng, hiểu nhiều, đặc biệt là binh thư, binh pháp, cưỡi ngựa, bắn cung… Nghiên cứu những giai thoại về cuộc đời vị anh hùng, một số tư liệu như “ Việt điện uy linh’’ có chép lại rằng: “ Đông Á năm xưa vệ tịnh phận sao đức và sao chuẩn ở phía đông nam có một luồng khí trắng che phủ toàn không, thần núi Tản Viên coi thấy đã biết rằng sau đây có nạn ngoại xâm, do đó, ngài đã làm sớ tâu với thiên đình, thượng đế phải ngẫm nghĩ rất lâu rồi truyền ngọc dụ rằng: tả, hữu ai vì trẫm để quét sạch luồng khí trắng ấy thì nhận lấy kiếm phi thiên thần và tam bảo ngũ tài của Thái công để giáng sinh vào nhà thân vương. Sau làm một tướng đệ nhất Trung hưng, đến khi tuổi già được hóa làm danh thần để cai trị việc nhân gian, con cháu đời đời được ghi vào sổ phúc đức’’. Lúc đó vị thanh niên đồng tử xin vâng mệnh ra đi, thường đế liền ban cho chiếc kiếm thần.
Bà mẹ mang thai ngày mãn tháng sinh ra vương. Trong lúc sinh vương, gió thoảng hương đưa, sinh hào quang khắp nhà. Rạng sáng ngày hôm sau, có vị đạo sỹ đến cửa xin yết kiến. An Sinh Vương nói: Tiên sinh ở phương xa tới đây chẳng hay có việc gì quý báu chăng? Người đạo sỹ trả lời: “ đêm qua tôi thấy một ngôi sao sa xuống đây, cho nên hôm nay đến xin yết kiến’’. An Sinh Vương liền truyền cho người nhà đem công tử ra để coi. Người đạo sỹ coi xong vội vàng quỳ xuống thềm nhà mà nói rằng: “tôi thay cậu bé công tử quý báu này, mai đây ắt có những tài trị đời, giúp nước, làm vinh quang cho quốc gia dân tộc’’. Nói xong người đó biến mất. Cả nhà đều lấy làm lạ. Vương mới đầy một năm mà đã biết nói. Khi lên 6 tuổi đã biết bày bát trận đồ. Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn được cử ra biên giới, đem quân thủy bộ ngăn ngừa suốt phòng tuyến phía bắc, vua Trần đích thân ra mặt trận để chiến đấu chống quân thù. Sau khi quân ta thắng lớn ở Đông Bộ Đầu, quân Nguyên đã phải rút chạy, và phải sau gần 50 năm, chúng mới tiếp tục thực hiện ý đồ xâm lược Đại Việt.
Năm 1283, khi đế quốc Mông Cổ chuẩn bị xâm lược lần thứ hai Trần Quốc Tuấn được cử làm Quốc công tiết chế, làm tổng tư lệnh chỉ huy quân đội Đại Việt.
Tháng 8 năm 1284, Quốc Tuấn mở cuộc duyệt binh lớn ở Đông Bộ Đầu, rồi chia các cánh quân trấn giữ nơi hiểm yếu. Cùng với vua Trần, Trần Quốc Tuấn họp hội nghị quân sự Bình Than, và hội nghị Diên Hồng lịch sử, cùng trăm họ quyết đánh quân xâm lược.
Đặc biệt cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên – Mông lần thứ ba, năm 1288, Trần Quốc Tuấn đã bày trận Bạch Đằng lịch sử đập tan ý đồ bành trướng của đế quốc Mông Cổ xuống Đại Việt và khu vực Đông Nam Á. Do có nhiều công lao lớn trong cuộc dẹp giặc nên vua Trần Nhân Tông tiến phong Hưng Đạo Vương làm Đại Vương, suy tôn Thượng phụ lại cho là có công lao lớn gia phong làm Thượng quốc công, cho phép được phong tước cho người khác từ tước Minh tự trở xuống, duy có tước Hầu thì phong tước rồi tâu sau. Ngày 20 tháng 8 năm 1300 (Canh Tý), Hưng Đạo Vương mất ở vương phủ Vạn Kiếp. Đại vương được nhiều nơi trong nước lập đền thờ tôn làm Thượng Đẳng phúc thần. Hưng Đạo Đại vương còn là vị thánh: “Đức Thánh Trần’’ một vị tổ đạo giáo Việt Nam. Hàng vạn di tích thờ đức thánh Trần, có ba nơi đền chính, gắn với dân gian truyền tụng rằng: sinh Kiếp Bạc, thác Trần Thương, quê hương Bảo Lộc hay tháng 8 hội cha (hội đền Bảo Lộc), tháng 3 hội mẹ (hội Phủ Giầy). Ngoài ra di tích còn thờ những quan bản thổ làng Tuần Lễ.
3. Di tích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, miếu Tuần Lễ là cơ sở tập luyện của dân quân du kích. Tháng 10 năm 1949, thực dân Pháp nhảy dù chiếm đóng Phát Diệm, hàng ngày chúng cho xe quân sự đi kiểm soát đường 59 và cho lính vào làng lùng sục các làng xã trong vùng. Miếu Tuần Lễ là cơ sở của quân và dân ta giữa vùng tự do và vùng địch hậu.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, miếu Tuần Lễ là nơi chứa đựng lương thực và các vật lực khác của Nhà nước, của HTX, là nơi học tập, huấn luyện của dân quân du kích, thanh niên lên đường phục vụ tiền tuyến góp phần hòa chung vào với cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Phần IV. KHẢO TẢ DI TÍCH
Miếu Tuần Lễ nằm trên diện tích đất rộng 4930m2, về phía tây thôn Tuần Lễ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Miếu quay hướng đông nam, phía trước có ao là nơi tụ thủy, xung quanh là cánh đồng lúa mênh mông, bên đông là nhà Giải Vũ, rộng 5 gian là nơi hội họp, dân làng bàn việc tế lễ.
Miếu Tuần Lễ có kiến trúc theo kiểu tiền nhất hậu đinh, gồm ba tòa Tiền đường, Thiêu hương và Hậu cung.
Tòa Tiền đường gồm 5 gian, mái lợp ngói vẩy, bên dưới là ngói lát, nền nhà lát gạch đỏ, chiều dài lòng nhà 11,5m, chiều rộng 4,5m. Hệ thống mái liên kết bởi 4 hàng vì kèo thượng rường hạ kẻ, chịu lực cho bộ vì đỡ mái là hàng chân cột gỗ lim to, tròn, 8 cột đặt trên các chân tảng đá tròn. Đề tài trang trí trên các đầu bẩy là tứ linh (long, ly, quy, phượng) và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Ở giữa Tiền đường có ban thờ công đồng, ở hai bên thờ các vị chiêu, nguyên, thứ mộ và quan bản thổ. Việc bài trí ở đây rất đơn giản. Gian giữa Tiền đường có treo bức đại tự ghi: “Phúc tích quyết thứ’’ và 4 câu đối bằng gỗ sơn son thếp vàng.
Thiêu hương hay còn gọi là Trung đường bao gồm 3 gian với chiều dài lòng nhà là 7,17m, chiều rộng là 3,9m, mái lợp ngói nam, hệ thống đỡ mái là những hàng vì kèo và tường bao. Gian giữa Trung đường là nơi đặt nhang án, tượng thờ đức Thánh Trần, hai gian bên thờ quan Văn và quan Võ.
Hậu cung hai gian dọc, mái cuốn được xây dựng bằng lớp hồ làm bằng vôi, song, cát rất vững chắc. Ở giữa có khám thờ tượng Hải Tề Long Vương, khám thờ được sơn son thếp vàng lộng lẫy. Tượng Thành hoàng Hải Tề Long Vương là tượng bằng gỗ tạc với tư thế ngồi trên bệ, hai tay đặt lên đùi rất uy nghi.
Phần V. LOẠI HÌNH DI TÍCH
Miếu Tuần Lễ thờ Thành hoàng Tề Hải Long Vương, đức Thánh Trần và các cụ chiêu, nguyên, thứ, tân mộ có công trong việc khai dân lập ấp tạo nên trại Tuần Lễ. Do đó, miếu Tuần Lễ thuộc loại hình di tích – lịch sử.
Phần VI. CÁC HIỆN VẬT TRONG DI TÍCH
Qua nghiên cứu, khảo sát thực tế tại miếu Tuần Lễ, chúng tôi nhận thấy rằng miếu Tuần Lễ còn lưu giữ một số hiện vật quý sau:
- Khám thờ.
- Tượng thờ.
- Sắc phong.
- Bát hương.
- Long ngai, bài vị.
- Đại tự, câu đối.
- Bản chúc, quán tẩy…
Phần VII. CÁC HÌNH THỨC SINH HOẠT VĂN HÓA DÂN GIAN, LỄ HỘI
Tại di tích hàng năm diễn ra các ngày tế lễ mang đậm bản sắc dân tộc
- Ngày kỵ Hải Tề Long Vương: 10/12 (âm lịch).
- Kỷ niệm ngày giỗ của cụ Lê Văn Uẩn.
- Tết Nguyên Đán, ngày rằm, mùng 1, các ngày giỗ các cụ nguyên, thứ, tân mộ đều có dâng hương đèn nhang.
Phần VIII. TÌNH TRẠNG BẢO QUẢN, PHƯƠNG ÁN PHÁT HUY TÁC DỤNG DI TÍCH
Dựa trên tư liệu Hán nôm, di vật hiện còn lưu giữ ở miếu cho thấy miếu được nhân dân trong làng khởi công xây dựng năm 1902, thờ Thành hoàng Hải Tề Long Vương. Miếu Tuần Lễ ngoài thờ Thành hoàng Hải Tề Long Vương còn thờ đức Thánh Trần, các vị chiêu, nguyên, thứ, tân mộ lập nên làng Tuần Lễ, là một trong những làng quan trọng trong tổng Quy Hậu cùng với miếu Thủ Trung, Nhà thờ Vũ Văn Kế (đã được xếp hạng) là những di tích trong hệ thống di tích về công cuộc khẩn hoang của cụ Nguyễn Công Trứ lập huyện Kim Sơn năm Kỷ Sửu (1829).
Được sự quan tâm của Đảng ủy, UBND xã Như Hòa, năm 2005 Ban khánh tiết miếu được thành lập, bao gồm các cụ cao niên trong thôn có nhiệm vụ kiến thiết, quản lý, tổ chức sinh hoạt tế lễ trong các kỳ lệ. Trong tương lai miếu Tuần Lễ sẽ là di tích hấp dẫn khách tham quan.
Phần IX. GIÁ TRỊ CỦA DI TÍCH VÀ Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ CỦA ĐỊA PHƯƠNG
Sau khi nghiên cứu, khảo sát thực tế và qua nghiên cứu các tài liệu có liên quan, chúng tôi nhận thấy di tích có các giá trị sau:
1. Miếu Tuần Lễ thờ Thành hoàng là Hải Tề Long Vương, đức Thánh Trần Hưng Đạo, chiêu mộ Lê Văn Uẩn và các nguyên, thứ, tân mộ khẩn hoang lập ra làng Tuần Lễ. Đây là một trong những ngôi miếu còn lưu giữ được nhiều tài liệu về công cuộc khẩn hoang lập làng ở huyện Kim Sơn.
2. Miếu Tuần Lễ còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: sắc phong, bát hương… đó là nguồn sử liệu quan trọng giúp chúng ta nghiên cứu về quá trình xây dựng tồn tại của ngôi miếu Tuần Lễ.
3. Miếu Tuần Lễ là công trình kiến trúc cổ, có phong cách kiến trúc đời Nguyễn, còn lưu giữ nhiều mảng điêu khắc, góp phần vào việc nghiên cứu nghệ thuật kiến trúc ở tỉnh Ninh Bình. Đặc biệt ngôi miếu duy nhất có tượng thờ Thành hoàng Hải Tề Long Vương – vị thần phò giúp dân làng trong việc mưu sinh nghề đánh bắt thủy hải sản xa xưa.
Xuất phát từ những giá trị nhiều mặt của di tích, thể theo nguyện vọng của chính quyền và nhân dân địa phương. Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Ninh Bình lập hồ sơ khoa học đề nghị Hội đồng khoa học xét duyệt trình UBND tỉnh Ninh Bình ra Quyết định xếp hạng di tích miếu Tuần Lễ, xã Như Hòa, huyện Kim Sơn là di tích lịch sử - văn hóa./.
-
Lúa nếp hạt cau Ninh Bình của HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Như Hoà - sản phẩm chủ lực về phát triển nông nghiệp của xã Như Hoà
Thứ năm, 07/11/2024
-
Ra mắt công trình số hóa di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Như Độ
Thứ sáu, 31/05/2024
-
Một số thông tin về nhà thờ Vũ Văn Kế
Thứ bảy, 05/08/2023
-
LÝ LỊCH DI TÍCH ĐỀN NHƯ ĐỘ
Thứ ba, 03/05/2022
-
Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia Đền làng Như Độ, xã Như Hòa
Thứ tư, 02/05/2018
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?
-
Nghị định 100 của thủ tướng Chính phủ
Ban hành: 01/01/1970
-
Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xuất bản
Ban hành: 21/11/2013
-
Quy định về quản lý cảng, bến thủy nội địa
Ban hành: 17/10/2014
-
Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ô tô khách thành phố để người khuyết tật tiếp cận sử dụng
Ban hành: 07/11/2014
-
Chương trình số 1Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên; hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp, giai đoạn 2015 – 2020
Ban hành: 22/01/2016
-
Chương trình số 4Phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nếp sống văn minh đô thị và phong cách ứng xử văn hóa của người dân thành phố Ninh Bình, giai đoạn 2015 - 2020
Ban hành: 10/03/2016
-
Kế hoạch thực hiện công tác toàn khóa số 4
Ban hành: 01/11/2016
-
Kế hoạch dịch vụ công trực tuyến giai đoạn 2016-2020
Ban hành: 30/12/2016
-
Kế hoạch thực hiện chương trình toàn khóa số 2
Ban hành: 04/01/2017
-
Quyết định về việc ban hành trương trình công tác năm 2017
Ban hành: 19/01/2017
Lượt truy cập: 102767
Trực tuyến: 3
Hôm nay: 116